Trên cơ sở mang lại cho trẻ niềm vui và những cảm nhận tích cực, cũng nên bắt trẻ chịu đựng gian khổ
Mang lại cho trẻ những cảm nhận toàn diện về cuộc sống tất nhiên không chỉ giới hạn trong những trải nghiệm tâm lý như vui vẻ, thú vị, ấm áp, thoải mái, được yêu thương, thành công, thỏa mãn, an toàn, vinh quang… Dù rằng chúng ta muốn đem đến cho trẻ những cảm nhận tích cực về cuộc sống là chủ yếu, để trẻ có được tình yêu cuộc sống, ý chí tích cực vươn lên, lòng dũng cảm, sự tự tin, nhưng với những đứa trẻ từ ba tuổi trở lên, không thể không để chúng phải trải qua sự tôi luyện, cảm nhận đôi chút sợ hãi khi làm sai một việc nào đó, chịu sự đau đớn do bệnh tật mang lại, chịu sự phê bình và lạnh nhạt, thậm chí có lúc cần phải cho trẻ trải qua cảm giác đau khổ khi phải xa bố mẹ.
Có lúc các bậc cha mẹ cũng cần bắt buộc trẻ phải kiên trì thực hiện một việc mà chúng không muốn làm, bắt chúng phải kiềm chế niềm ham muốn mãnh liệt của mình và nhẫn nại chịu đựng; hoặc cũng có lúc phải để trẻ sống một mình, đối diện với sự cô đơn. Tất cả những trải nghiệm này của cuộc sống đều rất cần thiết. Bởi lẽ nếu chỉ để trẻ sống trong một cuộc sống chỉ có mật ngọt thì trẻ chỉ cảm nhận thế giới thật bằng phẳng và những trải nghiệm của trẻ cũng thật nghèo nàn và hời hợt.
Nhưng, những cảm nhận tiêu cực trong cuộc sống (ví dụ như trẻ không hoang thành một công việc khó khăn nên bị phê bình nghiêm khắc chẳng hạn) không được vượt quá khả năng chịu đựng của trẻ, cộng với sự hướng dẫn và giáo dục của cha mẹ thì bản thân những cảm nhận tiêu cực ấy sẽ là một biện pháp hiệu quả để phát triển phẩm chất và ý chí tốt đẹp của trẻ đồng thời có thể giúp trẻ mở rộng hơn tầm nhìn, làm phong phú thêm vốn hiều biết cũng như tăng cường khả năng chịu đựng của trẻ nhỏ.
Có những phụ huynh và thầy cô yêu cầu trẻ mùa đông phải dậy sớm để tập thể dục và chịu đựng tiết trời giá lạnh; có những bậc cha mẹ lại yêu cầu con mình không khóc khi tiêm (chỉ tiêm một chút dưới da) để cảm nhận được cảm giác chiến thắng cơn đau; có những ông bố cố ý bắt con dầm mưa để con cảm nhận được thế nào là ướt như chuột lột; có những người mẹ khuyến khích con một mình đi thăm nhà họ hàng, để có được cảm nhận khi xa rời tổ ấm, chiến thắng nỗi cô đơn và sợ hãi; có những cha mẹ phê bình con gay gắt khi con phạm lỗi… Tất cả những phương pháp ấy được gọi là “giáo dục qua tôi luyện”. Sự trưởng thành và khỏe mạnh về tâm lý của con người cần phải trải qua quá trình tôi luyện nhất định và tiếp nhận nhiều cảm giác khác nhau.