Trẻ bị thoát vị rốn
Thoát vị rốn xảy ra khi nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Thoát vị rốn xảy ra thường xuyên nhất ở các bé sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp.
Trẻ được sinh ra với dây rốn gắn ở bụng. Dây này là cầu nối đưa chất dinh dưỡng từ mẹ tới bé trong suốt thời gian trong bụng mẹ. Dây rốn được cắt sau khi bé chào đời. Trong vòng một, hai tuần sau khi sinh, cuống rốn teo dần và rụng đi, vết thương tự lành và tạo nên rốn của trẻ. Lỗ ở thành bụng nơi dây rốn đi qua sẽ tự đóng lại khi bé lớn lên. Thoát vị rốn xảy ra khi các cơ bụng đóng không kín. Một khối tròn nổi lên ngay tại vị trí lỗ rốn. Bạn có thể nhìn thấy khối lồi này và cảm nhận nó khi ấn thật nhẹ nhàng lên vùng rốn. Khối thoát vị có thể to lên khi bé khóc, ho, ưỡn người để đi ngoài hay khi bé ngồi dậy. Khối này có thể nhỏ đi hoặc biến mất khi bé thư giãn. Thoát vị rốn ở trẻ thường không gây đau, cũng hiếm khi gây biến chứng. Tuy nhiên đôi khi một đoạn quai ruột bị kẹt trong khối thoát vị và không thể đẩy ngược trở lại ổ bụng, thì máu tới đoạn ruột đó ít đi, gây đau ở vùng rốn và tổn thương mô ruột. Trầm trọng hơn, đoạn ruột có thể bị nghẹt, hoàn toàn không nhận được máu, dẫn tới hoại tử. Nhiễm trùng có thể lan tỏa trong ổ bụng, đe dọa đến tính mạng.