Theo những ghi chép còn lưu lại trong các tài liệu thì những đứa trẻ hoang dã nổi tiếng nhất là hai đứa trẻ người sói ở Ấn Độ. Năm 1941, hai vị Giáo sư của trường đại học Denver và Yale Mỹ đã công bố về hai đứa trẻ người sói, tin tức này đã làm chấn động thế giới, gây sự chú ý cho các nhà tâm lý trong suốt mấy chục năm liền.
Đó là vào năm 1920, tại xóm núi Midnapore thuộc tỉnh Bengale trên đất nước Ấn Độ, người ta đã phát hiện ra có hai sinh vật đầu tóc xõa rũ rượi, mình trần như nhộng chạy theo và sinh sống lẫn trong một bầy sói. Những người dân bản địa vô cùng sợ hãi,cho rằng đó là hai con yêu quái. Khi ấy, có một Giáo sỹ truyền đạo tên là Singh đến từ Mỹ, đã dũng cảm tìm hiểu, lần theo vết tích của bầy sói. Quả nhiên, một ngày kia ông đã phát hiện ra có hai bé gái lẫn trong bầy sói đó. Singh dùng vũ lực để đuổi những con sói già, nhờ đó cứu được hai cô bé này. Mọi người đều cho rằng hai cô bé này chính là hai bé từ nhỏ không may bị sói mẹ tha đi và lớn lên trong hang sói.
Hai cô bé được cứu về nhưng không ai biết là con cái nhà ai. Cô gái nhỏ khoảng ba tuổi, được đặt tên là Amala, còn cô gái lớn chừng 8 tuổi, được đặt tên là Kamala. Tuy đã được cứu về sống với thế giới của loài người, song do từ nhỏ hai cô bé đã bị mất đi quá trình giáo dục sớm nên tất cả những hiện tượng tâm lý của con người đều bị mai một hoàn toàn. Đặc biệt khác biệt rõ nhất của hai cô bé này là:
Thứ nhất, không chịu mặc quần áo, nếu bị bắt ép mặc quần áo cũng không biết cởi, họ thường dùng móng cào rách quần áo. Hai cô bé tuyệt nhiên không có cảm giác xấu hổ của con người.
Thứ hai, không chịu ăn thức ăn chín cũng không ăn các loại ngũ cốc và lương thực, chỉ ăn thịt sống, gà sống, thậm chí ăn cả thịt động vật đã thối rữa. Hai cô bé thích uống sữa bò, nhưng nếu đổ sữa ra đất hai cô bé sẽ liếm.
Thứ ba, không chịu đi ngủ cũng không chịu đắp chăn, khi ngủ thường nằm sấp dưới đất mà không sợ lạnh. Hơn nữa, hai cô bé thường ngủ ngày và chỉ hoạt động vào ban đêm, thậm chí nửa đêm còn trèo ra ngoài cửa cất tiếng hú.
Thứ tư, không biết đứng, càng không biết thẳng lưng đi lại.
Thứ năm là không biết nói chuyện, không nói được tiếng người và đặc biệt là không biết cười. Cười là một hiện tượng tâm lý riêng chỉ có ở con người. Hai cô bé này cả ngày không cười, nét mặt lúc nào cũng nghiêm nghị.
Thứ sáu, xúc giác thuộc về hai cô bé vô cùng mẫn cảm, đặc biệt không ra mồ hôi. Hai cô bé ưa bóng tối, thích tiếp cận với các loài động vật khác như chó, sơn dương…
Tất cả những biểu hiện của con người của hai cô bé này đã bị biến mất, nói gì tới trí tuệ! Đây hoàn toàn là do trong quá trình sinh trưởng phát triển, não bộ của hai cô bé đã mất đi những ảnh hưởng về môi trường sống của con người, nó không được tiếp nhận bất cứ sự giáo dục nào ngay từ đầu. Ngoài ra, hai cô bé còn phải thích nghi với cuộc sống của loài sói, vậy nên trí tuệ tiềm ẩn của họ bị vùi lấp là điều hết sức tự nhiên và dường như không thể bù đắp lại được.
Nếu chúng ta nghiên cứu về sự trưởng thành của các danh nhân từ cổ chí kim, cả ở trong nước và ngoài nước, chỉ cần chúng ta tìm thấy những tư liệu về sự phát triển trong những năm tháng đầu đời của họ sẽ có thể chứng minh được rằng, trí tuệ phi phàm và nhân cách cao thượng của họ thường có mối quan hệ với những trải nghiệm cuộc sống và sự giáo dục thời thơ ấu. Thế nhưng, thật đáng tiếc là các nhà ghi chép lại không hiểu hoặc xem nhẹ vai trò của giáo dục ngay từ giai đoạn đầu nên thường hiếm khi ghi chép lại những câu chuyện thú vị về thời thơ ấu của các danh nhân. Họ không hề nghĩ rằng sự sơ xuất này lại gây ra những mất mát lớn trong quá trình trưởng thành của các nhân tài.