Chăm sóc sức khỏe thai phụ (Tuần 34)

Chăm sóc bà bầu

Những triệu chứng cần đặc biệt chú ý trước khi sinh

Có rất nhiều triệu chứng báo hiệu trước khi sinh, thai phụ cần quan sát kỹ, không nên coi nhẹ.

Vỡ nước ối:

Khi có dịch thể không màu, trong suốt, kèm theo mùi tanh tự chảy ra ngoài âm đạo, có thể đó là vỡ nước ối, lượng vỡ ra có thể nhiều có thể ít. Khi bị vỡ nước ối, thai phụ cần nhanh chóng nhập viện.

Chú ý: Cảm thấy khó chịu vùng bụng dưới là dấu hiệu dự báo trước khi sinh.

Âm đạo tiết nhiều dịch:

Chất dịch này vốn bịt lấp cửa tử cung, nhưng do cổ tử cung trở nên mỏng, mềm, to hơn vì thế nó không bịt được ở cổ tử cung nữa mà chảy ra ngoài âm đạo, càng gần lúc sinh, chất dịch này sẽ tiết ra ngày càng nhiều. Ra dịch màu hồng dính: Chất dịch này đặc dính và có kèm theo máu, lượng ít, chỉ lớn bằng ngón tay cái, có màu hồng hoặc màu đỏ đen. Sau khi xuất hiện dịch này, khoảng 1 tuần hoặc mười mấy tiếng sau, cơn đau bụng sẽ bắt đầu. Nếu lượng máu nhiều, cho dù không thấy cơn đau, cũng cần lập tức đến bệnh viện, có thể bạn sắp sinh rồi đấy.

Bụng tụt xuống:

Điểm cao nhất của bụng bỗng dịch xuống dưới và trở nên to hơn bình thường.

Đau đùi:

Trước khi sinh, để tiện cho em bé chui ra ngoài, các phần liên kết với xương khung chậu đều trở nên lỏng lẻo, vì thế mẹ có cảm giác phần đùi đau.

Cảm giác nhẹ nhõm:

Trước khi sinh 1 – 2 tuần, thai nhi đã vào xương chậu, đáy tử cung hạ thấp, mẹ có cảm giác bụng trên khá nhẹ nhõm, hít nhở nhẹ nhàng, ăn được nhiều hơn.

Bụng dưới khó chịu:

Khi bé đã vào xương chậu, các tổ chức như bàng quang, trực tràng đều chịu áp lực nặng nề, vì thế bụng dưới cảm thấy căng, đi tiểu nhiều, hiện tượng tiểu són cũng tăng lên.

Cảm giác buồn đi đại tiện:

Khi tử cung co thắt, trực tràng của mẹ chịu áp lực lớn, mẹ có cảm giác buồn đi đại tiện. Lúc này nên hít thở sâu, không nên dùng sức, cần nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra, không nên cố đi vệ sinh.

Cảm giác thai nhi sắp rơi ra:

Nếu mẹ cảm thấy bé hình như sắp rơi ra, chứng tỏ đầu bé đã nằm sâu ở xương chậu. Tình trạng này thường xảy ra trước khi sinh 1 tuần hoặc chỉ vài giờ.

Phân biệt cơn đau đẻ thật và cơn đau đẻ giả

Triệu chứng trước khi đẻ rõ rệt nhất là những cơn đau, nhưng với những thai phụ chưa có kinh nghiệm dễ tưởng nhầm những cơn đau giả là cơn đau đẻ thật và vô cùng lo lắng. Vì thế, chúng ta cần chú ý phân biệt:

Cơn đau đẻ giả:

Không có quy luật, thời gian xuất hiện cơn đau và thời gian đau không chắc chắn, bạn chỉ cần nghỉ ngơi hoặc vận động một lúc là hết, không phải càng lúc càng đau. Vùng bị đau chỉ là một phần của tử cung, đa số là do tử cung tụt xuống. Cơn đau giả thường do tử cung bị chèn ép, có lúc là vì thai nhi đạp mạnh mà thôi.

Cơn đau đẻ thật:

Có quy luật, bắt đầu cứ 10 phút lại đau 1 lần, sau đó cơn đau càng lúc càng dày đặc hơn, cuối cùng có thể 3 – 4 phút đau một lần; Lúc đầu thời gian đau là 10 – 30 giây, sau đó tăng dần dần lên, kéo dài từ 30 – 60 giây; cơn đau này không ngừng lại khi thai phụ nghỉ ngơi hoặc vận động, cảm thấy càng lúc càng đau. Vùng đau chiếm toàn bộ tử cung, lúc này tử cung co thắt và nhịp điệu cơn đau thống nhất. Khi tử cung bắt đầu co thắt, phần bụng cứng lên, cơn đau bắt đầu; khi cơn đau ngừng, việc co thắt cũng ngừng, bụng cũng mềm lại. Cơn đau đẻ thật diễn ra khoảng trước khi sinh từ 11 – 12 tiếng, có thai phụ chỉ trải qua cơn đau đẻ 3 – 4 tiếng là đã sinh.

Khi bị vỡ nước ối nên làm thế nào?

Nếu thai phụ bị vỡ nước ối, cũng không nên quá lo lắng, căng thẳng.

  1. Nên lập tức nằm xuống, dùng gối kê cao mông, tránh để dây rốn của em bé xổ ra.
  2. Chú ý giữ vệ sinh ngoài âm đạo sạch sẽ, không nên tắm gội vào lúc này, có thể dùng giấy vệ sinh sạch đệm trong quần lót.
  3. Cho dù tử cung có co thắt hay không, có đến thời gian dự kiến sinh hay không, khi bị vỡ nước ối, thai phụ cũng cần lập tức đến bệnh viện. Chú ý trên đường đến bệnh viện luôn giữ cho phần mông được nâng cao.

Khi bị vỡ nước ối nếu không kịp thời xử lý, rất có thể bé bị nhiễm trùng trong tử cung, dẫn đến nhiều chứng bệnh. Lưu ý là thai phụ trong giai đoạn này cũng có hiện tượng tiểu són, nên dễ nhầm tưởng nước tiểu là nước ối, vì thế cần học cách phân biệt. Khi không phân biệt được, có thể kiểm tra bằng cách dùng giấy đặt vào âm đạo, nếu là nước ối, giấy thử sẽ từ màu đỏ cam chuyển sang màu xanh thẫm. Đưa giấy thử đó cho bác sỹ, quan sát dưới kính hiển vi, sẽ nhìn thấy lông mao và một ít mỡ, như vậy có thể xác định là bị vỡ nước ối. Lúc này, nên áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời. Chú ý: Khi bị vỡ nước ối, phải lập tức nằm xuống, kê gối nâng cao mông, để tránh dây rốn xổ ra.

Xem thêm:

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!