Chúng ta có thể giúp trẻ thực hiện trò chơi học đọc

Giúp trẻ thực hiện trò chơi học đọc theo các bước dưới đây

  1. Lấy chữ ghép chữ
    Tạo ra một câu mà trẻ thích nhất, đọc cho trẻ nghe, sau đó khuyến khích trẻ lấy thẻ chữ treo trên tường xuống ghép thành câu, treo lên một dây khác, đọc to cho cả nhà nghe.
  2. Đóng vai thầy (cô) giáo
    Khuyến khích trẻ đóng vai thầy (cô) giáo để dạy bố mẹ hoặc các bạn nhỏ khác. Thỉnh thoảng người lớn cố ý “đọc sai” để thầy (cô) giáo chỉnh sửa và cho điểm.
  3. Thẻ chữ kết bạn
    Phát cho mỗi trẻ vài thẻ chữ to (có chữ đã học và chữ vừa mới học), sau đó thầy (cô) giáo đọc một từ, rồi đọc thành cụm từ, thành câu, yêu cầu trẻ giơ cao chữ vừa đọc chạy lên trước tìm bạn, xếp hàng để ghép thành câu, rồi đọc to lên. Khi chơi trò chơi này, trẻ sẽ ghi nhớ chữ đang cầm trong tay, hồi hộp lắng nghe xem câu mà thầy (cô) giáo có chữ mình cần hay không.
  4. Nối dây chun
    Thầy trò hoặc bố con cùng thảo luận để xem làm thế nào từ một chữ kéo dài thành một câu. Ví dụ: “trời”, “bầu trời”, “trên bầu trời có mặt trăng”, “trên bầu trời có mặt trăng và sao”, “đêm, trên bầu trời có mặt trăng và sao”, còn có thể thêm “sao băng kéo cái đuôi dài, rạch ngang bầu trời đêm, đẹp tuyệt vời”… Trò chơi này đã kết hợp việc học chữ, tạo câu, tập đọc với nhau, trẻ sẽ vô cùng hứng thú.
  5. Học chữ qua âm nhạc và thi ca
    Vừa nghĩ, vừa viết, vừa đọc những lời bài thơ, bài hát, mà trẻ thích nhất. Ví dụ: “giầy rách, mũ rách, áo cà sa trên người rách”, “Đường Tăng lấy kinh, theo sau có Tôn Ngộ Không”. Do trẻ cảm thấy thân thiết với những lời hát, nên chúng cũng sẽ cảm thấy thân thiết với những chữ trong lời hát, sẽ rất hào hứng đọc đi đọc lại và nhanh chóng ghi nhớ.
  6. Học chữ qua phân loại sự vật
    Kể ra những sự vật mà trẻ thường gặp, sau đó tiến hành thi phân loại sự vật, xem ai nói được nhiều chữ trong cùng loại nhất. Ví dụ:
    Động vật – gà, vịt, lợn, chó, hổ, sư tử…
    Hoa quả – chuối, táo, dứa, đào…
    Phương pháp này không chỉ là trò chơi học chữ, mà còn để rèn luyện tư duy phân loại, có thể phát triển khả năng khái quát của trẻ. Đây cũng là kỹ năng cơ bản để phát triển trí lực trẻ em.
  7. Xem bản đồ học chữ
    Xem bản đồ đất nước và bản đồ thế giới, tìm những địa danh mà trẻ tương đối quen thuộc (tốt nhất là nơi họ hàng, bạn bè sinh sống hoặc nơi mà người thân đi công tác). Phương pháp này vô cùng có lợi cho việc phát triển tính hiếu kỳ và lòng ham học hỏi của trẻ, trẻ sẽ nhớ được vị trí trên bản đồ và cách viết tên của các địa danh. Ví dụ tìm Bắc Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải, Trường Giang, Mỹ, Nga, châu Nam Cực… Trẻ rất thích đọc những địa danh thường được nghe thấy trên đài và càng thích đọc tên những nơi mà trẻ đã đi qua. Cũng có thể chơi trò vừa vẽ bản đồ vừa “đi du lịch” (ví dụ vẽ Trường Giang sau đó đi du lịch ven sông), đồng thời kể đến núi cao, sông lớn, thành phố, danh lam thắng cảnh, vừa nhận biết chữ vừa đọc, vừa chơi, trẻ sẽ thích thú và nhớ rất nhanh.
  8. Làm báo tường (hoặc báo bảng)
    Người lớn hướng dẫn trẻ làm báo, dùng phấn màu viết những câu, đoạn văn mà trẻ thích, tốt nhất là viết những câu chuyện của trẻ, cho thêm hình vẽ, vẽ thêm riềm hoa trang trí, trẻ sẽ rất thích đọc những câu viết trên đó. Ví dụ như bố của bé La Tường ở Vạn Huyện, Tứ Xuyên, mỗi tháng đều cùng con làm một số báo tường, nội dung rất phong phú, như “bé Tường đi máy bay”, “bé Tường làm giải phóng quân”, “bé Tường ngồi thuyền đi du lịch đã nhìn thấy biển”, rồi “ngày Tết đốt pháo, bé Tường cười vui”… Cứ như vậy bé Tường ba tuổi đã trở thành “fan” nhí của sách, bé dần dần yêu thích sách như một người bạn.
  9. Đọc thư, viết thư
    Khi người nhà, thầy cô giáo, họ hàng, bạn bè đi công tác đừng quên viết thư cho trẻ. Thư không cần dài, nhưng nên viết về những chuyện thú vị. Vì trẻ nhớ người thân, lại thấy thư được gửi đến từ bưu điện nên cảm giác rất mới mẻ. Trẻ sẽ nghiêm túc hỏi chữ để tự đọc thư, đọc mãi không chán và đã đọc rồi thì không quên. Người lớn cũng nên khuyến khích trẻ viết thư trả lời (hoặc để trẻ đọc, người lớn viết hộ, viết xong cho trẻ đọc lại vài lần), để trẻ tự mình đi gửi. Từ học chữ, học đọc đã phát triển thành làm văn miệng. Thư từ qua lại chính là hành động tôn trọng trẻ, bồi dưỡng lòng tự tin và tinh thần độc lập cho trẻ.
  10. Học viết chữ
    Rất nhiều trẻ xem người lớn viết chữ nhiều lần thì cũng có hứng thú và muốn được viết chữ, đây là lúc bạn có thể bắt đầu dạy trẻ viết (giai đoạn thích hợp nhất là khi trẻ bốn tuổi, nhưng nếu trẻ có yêu cầu thì cũng có thể dạy sớm hơn). Bước đầu tiên, luyện viết trong không khí, đọc tên nét và nhớ kỹ trật tự các nét. Bước hai, cầm tay trẻ luyện viết bằng phấn, học thuộc kết cấu của chữ. Bước ba, luyện viết bằng bút chì với yêu cầu nghiêm khắc về tư thế khi ngồi viết (giấy phải đặt ngay ngắn, ngồi thẳng, đầu không được nghiêng, bàn ghế phù hợp, mắt cách mặt giấy một thước, ngực cách cạnh bàn một nắm tay). Dù viết trong không khí hay cầm tay viết, chữ đã học, chữ chưa học đều có thể viết được, viết chữ và nhận biết chữ sẽ hỗ trợ lẫn nhau.
  11. Học thành ngữ
    Ví dụ khi người lớn và trẻ chơi hai chiếc ô tô đồ chơi và tiến hành “đua xe”, thì có thể dạy trẻ các thành ngữ như “dẫn đầu khá xa”, “xuống dốc không phanh”, “ra sức đuổi theo”, “đi sau vượt trước”, “song song tiến bước”, “theo không kịp”, “khác đường mà cùng một đích”… Chơi, nói, viết, nhận biết chữ, trong vòng nửa tiếng đã có thể học được mấy chục chữ, có được ấn tượng ban đầu về hàm nghĩa của các thành ngữ. Hoặc khi bố con chơi cờ với nhau, bố cố tình thua, nói “bị con đánh bại thảm hại”, “tình thế đã qua, không thể cứu vãn”. Trong khi chơi cờ còn có thể nói các thành ngữ như “ngã gục không gượng dậy được”, “tan tác tả tơi”, “toàn quân bị tiêu diệt”, “đội quân chuẩn bị chiến đấu”, “chuyển bại thành thắng”, “biến nguy thành yên”… Trẻ sẽ thấy thoải mái như đang được nghe kịch vui. Ấn tượng của trẻ về những chữ học được trong khi chơi cờ sẽ rất sâu sắc.
  12. Đoán chữ
    Ấn tượng của trẻ với những chữ đoán ra được sẽ khó quên hơn, có Lợi cho việc rèn luyện khả năng tư duy và trí tưởng tượng (xem tài liệu dạy chữ ở phần sau).
  13. Soạn các bài toán ứng dụng thực tế
    Ra một đề toán thú vị, ví dụ như “Gà mẹ cục cục gọi: gà con, gà con mau đến ăn giun! Đầu tiên hai chú gà con màu trắng chạy nhanh đến, tiếp đó có thêm ba chú gà con màu đen từ từ đi đến, vậy tất cả có mấy chú gà con?”. Vừa giảng vừa viết “đầu tiên, 2 trắng”, “sau đó, 3 đen”. Trẻ vừa học chữ lại vừa học tính, một mũi tên trúng hai đích.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!