Mọi nơi trong cuộc sống đều có môi trường dạy toán học cho trẻ nhỏ, song điều quan trọng là chúng có thu hút sự chú ý của phụ huynh hay không. Ví như, các bậc cha mẹ có thể dạy con đếm xem trong nhà có mấy bóng đèn, mấy bồn hoa, mấy chiếc ghế, mấy tấm kính, mấy chiếc giường, mấy cánh cửa… Dạy con biết mỗi người có hai bàn tay, mỗi bàn tay có năm ngón, hai bàn tay có tất cả mười ngón hoặc thường xuyên để con đếm ngón tay của mình.
Ngoài đếm ngón tay ra, con có thể để con đếm tai, mắt, mũi của mình và của cả cha mẹ, trước tiên là đếm riêng lẻ, sau đó là đếm tổng hợp, đi trên đường có thể dạy con đếm số nhà, số tầng hoặc số cây… Đây đều là những cách mà chúng tôi dạy toán học cho Lữ Siêu, vừa đơn giản vừa thuận tiện, lại có thể khiến cháu học một cách tự nguyện.
Chính vì thế, Lữ Siêu đã dần này sinh sự mẫn cảm với toán học. Khi đi đường, nhìn thấy biển số xe ô tô, cháu có thể đọc chính xác “1865394”; nhìn thấy số nhà cháu cũng có thể đọc “235”. Lúc đó cháu mới được hơn hai tuổi, vẫn chưa hoàn toàn hiểu, nhưng nhờ có sự mẫn cảm cùng với niềm say mê toán học nên về sau cháu có thể lĩnh hội các vấn đề liên quan đến toán học thông qua những tình huống cụ thể và lý giải nó trong cuộc sống, đồng thời cháu đã có thể học các phép toán một cách tự nhiên.
Nhiều lúc cháu nêu ra các câu hỏi rất lạ, ví như vào một ngày khi cháu chưa đầy ba tuổi, cả gia đình chúng tôi cùng đi chơi và đang dừng đợi xe buýt số tám tại điểm dừng xe buýt. Đột nhiên cháu thắc mắc cùng bố mẹ với một việc hết sức ngây thơ: “Ba với ba là sáu, tại sao lại là tám ạ?” Vợ chồng chúng tôi không hiểu ý của cháu là gì? Chúng tôi hỏi cháu tại sao vậy, cháu liền chỉ tay vào biển số xe, chúng tôi ngước mắt nhìn lên, à thì ra là chữ số tám được viết cách điệu thành hai số ba quay vào nhau, chúng tôi giải thích cho cháu, cháu đã hiểu ra vấn đề rất nhanh.