Không chỉ những đồ chơi được mua về mới có tác dụng tốt. Chỉ cần các bậc phụ huynh biết cách khơi gợi và hướng dẫn trẻ, trẻ sẽ mải mê chơi một số đồ dùng, công cụ hay các đồ vật thật trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ vậy, những đồ chơi này có thể hướng sự chú ý của trẻ tới việc quan sát và nghiên cứu thế giới xung quanh mình, nảy sinh hứng thú với những sự vật quen thuộc, điều này vô cùng có lợi cho quá trình phát triển thể chất, trí tuệ cũng như niềm đam mê sáng tạo của trẻ.
Ví dụ, với một chậu nước sạch, các bậc phụ huynh có thể thả vào đó một vài con trạch hoặc cá nhỏ rồi dạt trẻ cách bắt cá. Với trò chơi thú vị này, trẻ có thể sẽ chơi hàng tiếng đồng hồ mà không thấy chán. Nó không những giúp cơ quan xúc giác của trẻ nhanh nhạy mẫn cảm hơn, đồng thời còn bồi dưỡng cho trẻ tinh thần dũng cảm, gan dạ, tạo điều kiện cho trẻ tìm hiểu tập tính của cá, nhận biết được trên mình cá có những chiếc vảy lấp lánh; loài trạch rất trơn, trên miệng nó còn có một vài “sợi râu”…
Ngoài ra, cũng có thể cho trẻ chơi nghịch với bùn, tạo núi giả, tạo những con sông nhỏ rồi dẫn nước vào trong, đắp đê và trồng “rừng chống sóng” trên bờ đê (bằng cách nắm một vài cây cỏ nhỏ lên trên)… Trẻ sẽ miệt mài chơi mà không hề biết tới cảm giác nhàm chán, niềm vui sướng hiện rõ trên khuôn mặt trẻ.
Nếu chúng ta mở rộng hơn nữa khái niệm về đồ chơi, nhìn nhận đồ chơi là những thứ mà trẻ thích chơi, và thông qua những trò chơi ấy trẻ có được niềm vui; chúng ta sẽ thấy đồ chơi chính là công cụ kích thích sự phát triển đầy đủ và toàn diện của trẻ. Nếu nghĩ như vậy thì chỉ cần bạn biết cách hướng dẫn trẻ, tất cả mọi đồ vật trong gia đình hay trong thế giới rộng lớn bao la đều sẽ trở thành những thứ đồ vật mà trẻ chơi không biết chán và chơi không bao giờ hết. Rất nhiều nhà khoa học vĩ đại đã lớn lên trong thế giới đồ chơi phong phú này.