Dạy trẻ học hội họa và tạo hình (3)

Bất cứ một yếu tố nào trong đời sống tinh thần của con người (bao gồm trí tuệ, tình cảm và đời sống nghệ thuật) đều không thể ép buộc mà cần phải dẫn dắt và cuốn hút để tự bản thân con người cảm thấy vui vẻ mới có thể gặt hái được thành công. Cũng giống như việc các bạn trẻ tự do yêu đương và kết hôn, nếu không có tình cảm tốt đối với bạn khác giới thì làm sao có thể nảy sinh tình yêu? Vì thế, nếu phải “khổ sở theo đuổi” tình yêu, chi bằng hãy cố gắng “hấp dẫn bằng vẻ đẹp của bản thân” để đối tượng tự nảy sinh tình yêu, có như vậy mới có được hạnh phúc.

Nên cổ vũ trẻ tập vẽ. Tập vẽ ở đây có nghĩa là, sau khi trẻ được một hai tuổi bắt đầu dạy trẻ bước đầu học vẽ, trẻ vẽ đường như không có mục đích và chỉ vẽ “chơi” một vài nét, dù vậy, bạn cũng nên động viên trẻ vẽ đẹp, ví dụ, nó với trẻ “Xem này, Mao Mao vẽ đẹp đấy!”. Giả dụ trẻ vẽ được một vài nét đường cong cong, bạn nên sửa lại cho trẻ, vừa sửa vừa bảo: “Con vẽ hệt như một chú giun đất đang bò ấy”. “Nét vẽ này của con trông giống con lươn quá!” “Nét kia thì lại giống con rắn hơn”… Nếu trẻ vẽ một hình tròn hơi méo, bạn vừa giúp trẻ chỉnh lại vừa khen rằng trẻ vẽ một quả trứng vịt rất đẹp, hoặc cũng có thể thêm một nét gạch ở bên dưới để nó biến thành một quả khí cầu rồi bảo “Quả khí cầu mà Mao Mao vẽ đang bay lên trời này”…

Như vậy, dù trẻ vẽ bất cứ hình nào đi nữa, bạn cũng nên giúp trẻ sửa lại thành một tác phẩm đẹp và làm cho những biểu tượng mà trẻ tích lũy được trong não bộ ngày một phong phú hơn, niềm say mê hội họa cũng ngày một sâu sắc hơn, lòng tự tin trong trẻ ngày một vững chắc hơn, mục đích vẽ của trẻ cũng ngày một rõ ràng hơn. Nhờ đó, trẻ sẽ từ từ tiến tới trạng thái vừa vẽ vừa suy nghĩ, dũng cảm vẽ theo những gì mình tưởng tượng và sáng tạo ra. Có lúc trẻ sẽ mải mê vẽ, vẽ và vẽ rồi reo lên đầy vui mừng: “Mẹ ơi, mau lại đây xem, con vẽ được đám mây rồi!” Lúc này, trẻ đã thực sự bắt đầu bước đi trên con đường học hội họa.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!