Trong điều kiện có thể, các bậc phụ huynh nên thường xuyên đưa con đi thăm các công xưởng, các cửa hàng, các doanh trại bộ đội, trường học, bảo tàng, triển lãm, các đình đền chùa, các danh lam thắng cảnh hoặc đưa con về miền nông thôn… để con trẻ được ngắm nhìn cảnh lao động trong những ngành nghề khác nhau. Nhờ đó, trẻ sẽ hiểu được thép bị nung chảy như thế nào, các bác nông dân ươm mầm cây giống ra sao, gốm sứ được nung như thế nào, sách được in như thế nào…
Đồng thời, trẻ cũng được tận mắt nhìn người lớn làm gì, nói gì, lao động vất vả ra sao. Nó mang lại cho trẻ nhỏ thật nhiều điều bổ ích. Tôi đã từng bế một em bé hai tuổi rưỡi dạo chơi trên phố, tôi hỏi cháu: “Đây là cửa hàng gì nào?” Nó nhìn rồi trả lời: “Nhà hàng ăn ạ!” Rồi tôi lại chỉ vào một cửa hàng khác và hỏi: “Cửa hàng này đang làm gì thế nhỉ?” Sau một thoáng suy nghĩ cháu đáp: “Đang bán quần áo ạ!” (tôi chỉ vào cửa hàng quần áo). Đứa trẻ này thông minh thật!
Nếu các bậc cha mẹ không để lỡ cơ hội mang con đi theo, từ từ dạy con tiếp xúc với xã hội thì một đứa trẻ bốn tuổi sẽ có thể đoán biết được nghề nghiệp của một người xa lạ, ví dụ “đó là một bác nông dân”, “người mặc áo blu trắng kia là một bác sĩ”, “bố ơi, người đi phía trước trông giống một vận động viên quá!”. Trẻ có thể nói ra những câu như vậy cho thấy nó là một đứa trẻ thông minh với vốn hiểu biết rộng cùng năng lực qua sát và năng lực phán đoán rất tốt. Trẻ sẽ có được cảm giác về nghề nghiệp và đã tiếp thu ảnh hưởng của tinh thần trách nhiệm ngay từ khi còn rất sớm.