Áp dụng phương án 0 tuổi từ khi chào đời
Tháng Mười một năm 1991, chúng tôi vui mừng chào đón sự ra đời của Trịnh Dịch Thần. Khi đó, bà ngoại cháu đặt mua từ Đại học Vũ Hán bộ sách “Phương án 0 tuổi”. Từ đó, chúng tôi kiên trì thực hiện quá trình giáo dục sớm cho cháu. Đến nay, tuy mới 19 tháng tuổi nhưng bé Dịch Thần đã nhận biết được hơn 1800 chữ Hán, có thể phân biệt và thuộc gần 150 bài hát thiếu nhi; bé có thể đọc thuộc lòng hơn 10 bài thơ Đường, và có thể đọc dễ dàng những bài ngữ văn của học sinh lớp Một (tất nhiên, phát âm cong chưa thật chuẩn xác); bé còn thuộc bảng chữ cái tiếng Anh và có thể hát một bài hát thiếu nhi tiếng Anh đơn giản. Bé Dịch Thần lanh lợi, đáng yêu, thông minh, hiếu học, trí nhớ rất tốt, trí tưởng tượng cũng vô cùng phong phú.
Khi cháu chào đời, theo sự hướng dẫn của “Phương án 0 tuổi”, chúng tôi treo những quả bóng và đồ chơi đầy màu sắc, xinh xắn ở đầu giường cháu, bật những bản nhạc waltz nhè nhẹ, thường xuyên hát cho cháu nghe, nói chuyện với cháu. Hàng ngày, lúc tắm, chúng tôi luôn dùng khăn bông mềm mại lau người cho cháu. Khi cháu được hai tháng tuổi, chúng tôi đặt cháu nằm sấp trên thảm, giữ chặt đôi chân bé nhỏ để giúp cháu bò, mỗi ngày tập động tác này hai lần. Những hoạt động đó vừa thúc đẩy trí tuệ phát triển, vừa giúp cháu có tinh thần vui vẻ.
Kiên trì áp dụng phương án 0 tuổi
Khi Dịch Thần được ba tháng tuổi, trên các đồ vật trong nhà, chúng tôi treo các thẻ chữ tương ứng, ví dụ trên cửa treo chữ “cửa”, trên bàn treo chữ “bàn”, chỉ vào đồ vật và đọc lại nhiều lần tên đồ vật đó cho cháu nghe. Dịch Thần chỉ biết nhìn đồ vật, nhìn các chữ treo trên đó và dường như không có phản ứng gì cả. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì dạy cháu hàng ngày, cho đến khi cháu được tám tháng tuổi, một hôm bà ngoại vừa thay áo cho cháu, vừa nói: “Dịch Thần mặc áo.” Bỗng nhiên, cháu cầm lấy chữ “áo” trong đống thẻ chữ bên cạnh. Chúng tôi vui mừng khôn xiết, vội vàng đặt các chữ cái hàng ngày dạy cháu ra trước mặt, tuy cháu vẫn chưa phát âm được, nhưng có thể căn cứ vào âm đọc của chúng tôi để tìm ra chính xác từng chữ, ví dụ “quần”, “tất”, “cửa”, “đèn”, “gương” v.v…lúc đó, cháu đã nhận biết được hơn 10 mặt chữ. Chúng tôi kinh ngạc thấy rằng, chuyện “dạy trẻ sơ sinh học chữ” quả nhiên đã trở thành hiện thực. Từ đó, chúng tôi liên tục dạy thêm những chữ mới cho cháu, càng lớn, cháu càng tiến bộ rõ rệt: Khi được 10 tháng tuổi, cháu nhận biết được hơn 50 chữ, 13 tháng đã là hơn 200 chữ, bây giờ, khi được 19 tháng tuổi, cháu đã nhận biết hơn 1800 chữ.