Cánh cửa bước vào xã hội
Công viên không chỉ là nơi trẻ có thể tự do thoải mái chơi đùa chạy nhảy một cách an toàn mà còn là nơi rất quan trọng để trẻ chơi trong tập thể với những người bạn cùng lứa tuổi. Với ý nghĩa đó, công viên chính là sân khấu xã hội dành cho trẻ. Bạn cần cho con thấy rằng, đó là nơi có thể chơi đùa rất vui vẻ. Đặc biệt, đối với trẻ nhút nhát, bạn đừng vội dẫn trẻ đến nơi có nhiều trẻ con, mà hãy đi vào lúc ít người để cho trẻ làm quen với không gian.
Ở giai đoạn này, trẻ vẫn chưa biết chơi một cách hợp tác với các bạn. Đôi khi, cũng có lúc trẻ sẽ khóc hay bị làm cho khóc do tranh giành đồ chơi với bạn. Nhưng trẻ sẽ học được cách tạo nên mối quan hệ với mọi người thông qua những kinh nghiệm đó. Nếu thấy trẻ bắt đầu cãi nhau, bạn đừng nên vội vàng làm trọng tài phân xử mà hãy quan sát trẻ.
Hơn nữa, trẻ con rất hay quan sát cha mẹ. Trước khi trẻ quen với công viên, bạn hãy cùng chơi với trẻ, nói chuyện hòa đồng với mọi người xung quanh để tạo không khí vui vẻ thoải mái.
Bạn hãy là tấm gương để dạy cho trẻ biết khi gặp bạn bè phải chào hỏi.
Trẻ quen với tốc độ nhờ trò chơi cầu trượt
Giúp trẻ kiểm soát tốc độ bằng chân
Chúng ta hãy luyện tập để trẻ có thể tự mình lên cầu trượt và trượt xuống một mình. Bạn dạy cho trẻ khi trượt dạng chân ra thì tốc độ sẽ chậm lại, giúp trẻ biết kiểm soát tốc độ.
Trò chơi này không chỉ giúp trẻ có thể trượt mà còn dạy cho trẻ biết xếp hàng có thứ tự khi nhiều bạn cùng chơi.
Tìm hiểu về não bộ – Điều quan trọng là trẻ bắt chước lẫn nhau
Chúng ta cho trẻ chơi những trò chơi có tính xã hội. Khi đến công viên, bạn cần dạy cho trẻ biết chào các bạn “chào bạn A”, “B ơi, cùng chơi với tớ đi”. Trò chơi đầu tiên có thể là tập đi, tập vẫy tay để người bạn bắt chước lại hành động của mình. Để bạn chịu bắt chước mình, trẻ cần phải hiểu được đối phương.
Trẻ quen với việc rung lắc nhờ trò chơi xích đu
Giúp trẻ biết cách co, duỗi chân
Khi trẻ đã biết nắm chắc, có thể giữ chắc cơ thể mình, bạn hãy ấn sau lưng trẻ, cho trẻ làm quen dần dần từng chút một với độ rung lắc của trò chơi xích đu. Đồng thời, hãy dạy cho trẻ cả thời điểm nên co, duỗi chân.
Với trẻ sợ rung lắc, bạn hãy cho trẻ ngồi lên đùi mình để luyện tập.
Tìm hiểu về não bộ – Giúp trẻ làm quen với tốc độ và không gian ba chiều
Khi trẻ đã quen với cầu trượt, tiếp theo bạn hãy cho trẻ luyện tập cử động cơ thể một cách tích cực trong không gian ba chiều. Thực hiện luyện tập giúp trẻ kiểm soát được thông tin gia tốc từ sỏi thính giác và ống hình bán nguyệt. Nếu trẻ không kiểm soát được sẽ cảm thấy “chóng mặt”. Chúng ta hãy luyện tập giúp trẻ dần dần làm quen để dù có đu mạnh xích đu, trẻ vẫn nhìn rõ mọi vật xung quanh.
Trẻ quen với các bạn ở bãi nghịch cát
Giúp trẻ có thể chơi đùa một cách vui vẻ
Bãi cát là nơi nhỏ nhất trong công viên tập trung rất nhiều trẻ nhỏ. Bạn hãy cầm theo cho trẻ các dụng cụ để xúc cát như xẻng, xô…để trẻ có hứng thú với trò chơi xúc cát.
Khi trẻ cùng chơi ở bãi cát, bạn hãy dần khuyến khích để trẻ và các bạn tạo thành một hình gì đó.
Tìm hiểu về não bộ – Vừa chơi vừa học về tính chất của cát
Khi chơi ở bãi cát, trẻ cần phải biết rằng cát có đặc trưng là không cố định theo một hình thù nào cả, do vậy có thể tạo được bất kỳ hình dạng nào từ cát. Điều này cũng giúp trẻ luyện tập cả việc quan sát và tưởng tượng. Trẻ không thể đo được trọng lượng của cát nên bạn hãy dạy cho trẻ đo lượng cát bằng bao nhiêu cốc. Bạn hướng dẫn trẻ tạo nên các hình mình thích. Bạn hãy cho trẻ suy nghĩ cái mình muốn tạo ra.