Không ai có thể nói rõ ràng và chính xác khả năng trí tuệ tiềm ẩn trong mỗi con người lớn đến nhường nào, chỉ biết rằng có những người thông minh tuyệt đỉnh, ngược lại cũng có những người ngu dốt vô cùng. Thế nhưng, giới tâm lý học ở trong nước và trên thế giới đều công nhận rằng, với những con người bình thường của xã hội, bao gồm cả chúng ta, khả năng trí tuệ tiềm ẩn của họ chỉ được khai thác từ 3% đến 10%. Đây tất nhiên chỉ là một con số thống kê mơ hồ song nó cũng đã chứng minh, với phần lớn những người bình thường, khả năng trí tuệ tiềm ẩn của họ dần bị mai một vì không được khai thác sử dụng hết.
Kết quả nghiên cứu của các Giá sư ở Học viện Bách Khoa Massachusetts – Mỹ đã cho thấy, nếu khả năng ghi nhớ của con người suốt một đời luôn miệt mài học hỏi không ngừng thì có thể ghi nhớ được lượng kiến thức lớn gấp 50 lần khối lượng kiến thức có trong 10.000.000 quyển sách tại thư viện của Quốc hội Mỹ. Tất nhiên, trường hợp này chỉ có thể xảy ra trong điều kiện khả năng ghi nhớ của con người được phát huy tối đa, nhưng đây cũng là một con số đáng để chúng ta phải suy nghĩ.
Friedrich Engels trong cuốn Phương pháp biện chứng tự nhiên đã viết một đoạn khiến con người không khỏi kinh ngạc và đào sâu suy nghĩ: “Quá trình phát triển phôi thai của con người trong bụng mẹ chỉ là hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ quá trình phát triển loài người trải qua mấy triệu năm, bắt đầu từ loài côn trùng của tổ tiên động vật; sự phát triển về tinh thần của trẻ em cũng là hình ảnh thu nhỏ của quá trình phát triển trí tuệ của tổ tiên động vật, thậm chí là tổ tiên động vật tương đối gần của chúng ta.”