Chúng ta không sao đếm xuể những tấm gương về ý chí kiên cường ấy trong lịch sử nhân loại. Đó là những viên gạch nền làm những thành công vĩ đại. Chúng ta nên kể cho trẻ nghe những câu chuyện cảm động ấy, ví dụ, Karl Marx phải mất hơn 40 năm để hoàn thành tác phẩm “Tư bản luận” vĩ đại; Charles Darwin viết “Nguồn gốc muôn loài” sau những ngày dài vất vả gian nan đi khắp thế giới để tiến hành khảo sát và phải tiếp tục kiên trì thêm 22 năm nữa để hoàn thành tác phẩm; Jean Henri Fabre sau nhiều ngày nghiên cứu về côn trùng đã dành hơn 30 năm để viết nên tác phẩm “Côn trùng ký” chấn động thế giới; Lý Thời Trân phải mất 27 năm ròng để biên soạn “Bản thảo cương mục”… Những câu chuyện cảm động này đã được giới thiệu trong các câu chuyện về các nhà khoa học, chúng ta nên khuyến khích trẻ đọc và nghe nhiều.
Rèn luyện ý chí cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt, giống như Tuân Tử đã từng nói: “Cây đại thụ lên từ cây nhỏ, lầu cao chín tầng bắt đầu từ nền đất, hành trình xa vạn dặm bắt đầy ngay dưới chân”. Trong giáo dục, bất cứ tiểu tiết nào cũng đều quan trọng chúng ta cần phải biết tích tiểu thành đại. Vì vậy, trong cuộc sống của con trẻ, các bậc cha mẹ cần phải để trẻ kiên trì rèn luyện, tự điều chỉnh cuộc sống, sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi, vận động chân tay và não bộ, phấn đấu để ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn, đồng thời cũng phải hình thành các thói quen tốt. Chúng ta cần nghiêm khắc yêu cầu con trẻ từ từ rèn luyện những phẩm chất trên, không được sao nhãng.
Thói quen là trợ thủ đắc lực của ý chí, có được thói quen tốt, những hành vi của ý chí sẽ được hoàn thành một cách dễ dàng, do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tới việc chú trọng bồi dưỡng những thói quen tốt cho con mình. Như nhà giáo dục Diệp Thánh Đào đã nói: “Thế nào là giáo dục? Có thể tổng kết lại trong một câu đơn giản rằng, đó là việc hình thành nên thói quen”.