Học mà chơi, chơi mà học

Bé học mà chơi

Tinh Tinh hứng thú với nhiều phương diện khác nhau

Để Tinh Tinh có được hứng thú với nhiều phương diện khác, chúng tôi thường áp dụng học mà chơi, chơi mà học, để cháu tự làm. Mùa đông năm 1984, 1985 tuyết rơi rất dầy, tôi đưa cháu đi nghịch tuyết, gõ băng, và đem băng về nhà để hâm nóng, để cháu có bước đầu hiểu về “ba trạng thái” của nước, gia tăng ấn tượng của cháu đối với cuốn “Nước có thể biến đổi”. Tuy đôi bàn tya nhỏ xíu cóng đỏ nhưng cháu vẫn rất hào hứng.

Sau khi kể cho cháu nghe câu chuyện về Tư Mã Quang, chau liền bỏ quả bóng bàn vào trong cốc thủy tinh và đổ nước vào, để quả bóng nổi lên, do đó, chúng tôi lại nói cho cháu biết: “Nếu bỏ trứng gà vào trong nước muối mặn, trứng gà cũng có thể nổi lên; nếu đổ thêm nước, nhưng không bỏ thêm muối, trứng gà sẽ chìm xuống.” “Thật vậy sao?” Tinh Tinh hoài nghi, cháu lại rất đỗi vui mừng và luôn mồm hỏi “Tại sao, tại sao?”

Tinh Tinh thích suy nghĩ, thích hỏi chuyện, đôi khi còn biết thử người lớn. Ngày 12 tháng Tám năm 1986, cả nhà đang xem ti vi, Tinh Tinh bỗng đến đứng giữa phòng khách và hỏi: “Ông bà, con hỏi ông bà ba câu: Câu thứ nhất, tại sao vào trời nắng chó thè lưỡi ra, đầu lưỡi lại có nước? Tuyến mồ hôi của chó nằm ở đâu? Câu thứ hai, chẳng nhẽ Trái Đất sẽ không ngừng thay đổi? Thế nào gọi là thay đổi? Câu thứ ba, tại thôn Sơn Nhị tỉnh Sơn Đông phát hiện một kho hóa thạch, ông bà có biết đó là hóa thạch nào không?” Lại có lần, cháu đột ngột hỏi: “Bà ơi, tại sao lại không thể nhìn thấy điện?” “Tại sao lại gọi là hươu cao cổ?” “Voi là động vật hoang dã hay là gia súc?”…

Giúp trẻ hiểu được mọi thứ

Ngày mùng sáu tháng Bảy năm 1986, cháu lấy một cuốn sách triết học trong tủ sách của chúng tôi, để chúng tôi đọc cho cháu nghe. Tôi nói: “Cuốn sách này cháu xem chưa thể hiểu được, đợi lớn thêm hai tuổi nữa, bà sẽ đọc cho cháu nghe.” Nhưng Tinh Tinh một mực không chịu, tôi đành phải kể cho cháu nghe một chút về tính phổ biến của mâu thuẫn và bất kể sự vật nào đều chứa đựng chân lý cơ bản của mâu thuẫn. Một tuần sau, trên đường đưa cháu đi bệnh viện, cháu đột nhiên nói với tôi: “Bà ơi, bà xem có mâu thuẫn không này – nếu cháu ở Thâm Quyến, lại nhớ ông, nhớ bà; nếu cháu về Kinh Châu lại sợ bố mẹ nhớ cháu. Ôi! Thật mâu thuẫn!”

Trước những câu hỏi của con trẻ, chúng ta phải có câu trả lời, nếu như lúc đó không trả lời được, cũng phải nói thật với trẻ, sau đó cùng trẻ tìm sách đọc để tìm ra đáp án chính xác.

Bất kể thí nghiệm gì, nếu không nguy hiểm, chúng tôi đều cố gắng cho Tinh Tinh tự tay làm, để cháu tự thể nghiệm, từ đó bồi dưỡng khát vọng tìm tòi tri thức của cháu.

Thế giới rộng lớn của tri thức

Phương pháp giáo dục sớm áp dụng đối với Tinh Tinh căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, học mà chơi, chơi mà học, người dạy có ý thức, người học trong vô thức, chơi đùa vui vẻ, tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên, thoải mái. Sự thay đổi vô thức trong một thời gian dài đã khiến Tinh Tinh đam mê sách, có thói quen và hứng thú xem sách, cứ như vậy khi lên ba, cháu đã biết chữ, sau ba tuổi có thể tự đọc, bước vào thế giới tri thức rộng lớn hơn.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!