Khả năng viết văn của Tiểu Kiệt khá tốt, còn khả năng toán học thì sao? Dưới sự hướng dẫn của mẹ, bé đã tự học hết chương trình tiểu học. Cháu thích suy nghĩ và tính toán. Còn về sức khỏe, cháu rất hoạt bát, khỏe mạnh… Những vầng hào quang tỏa sáng từ trí tuệ thông minh sớm của cháu cổ vũ tôi rất nhiều. Khi trở về nhà, tôi giở xem những ghi chép về quá trình trưởng thành của cháu.
Một tuổi rưỡi: Nhận biết hơn 200 mặt chữ. Trên bàn có ba quả táo, bốn cái bánh ngọt, hỏi có bao nhiêu quả táo, bao nhiêu cái bánh cháu đều có thể trả lời rành rọt. Cháu có thể lấy ra số chiếc kẹo từ trong một hộp kẹo theo đúng yêu cầu của người lớn.
Hai tuổi: Bắt đầu học đọc, thích đọc những quyển như “Vệ sinh sạch sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh”, “365 chuyện kể hàng đêm”. Gặp những chữ không biết, cháu đều biết hỏi người lớn. Có thể phân biệt thế nào là trên dưới, trước sau, lớn nhỏ, trái phải, cao thấp, dày mỏng, rộng hẹp, xa gần, nặng nhẹ, dài ngắn…
Hai tuổi rưỡi: Nhận biết hơn 1.100 mặt chữ, có thể phân biệt được những chữ có nét gần giống nhau và thuộc lòng bảng cửu chương.
Ba tuổi rưỡu: Nắm được các bộ thủ trong tiếng Hán, biết tra tự điển, biết làm phép tính cộng trừ và nhân chia với số có nhiều chữ số.
Bốn tuổi: Nhận biết được hơn 2.500 chữ, biết sử dụng các dấu câu, có thể viết một đoạn văn, biết làm phép tính có cả cộng trừ nhân chia. Được đặc cách học lớp Ba.
Những kì tích đó thật không đơn giản, cháu bé này đúng là một thần đồng! Trẻ thông minh sớm không phải là điều quá kỳ bí. Cháu bé Tiểu Kiệt chỉ là một bông hoa của giáo dục sớm cho trẻ. Einstein đã từng gọi chức năng của bộ não là “bông hoa đẹp nhất trên Trái Đất”. Chỉ có điều bông hoa Tiểu Kiệt, dưới ánh Mặt Trời của giáo dục sớm trong gia đình, đã nở rộ khoe sắc. Nói theo các của mẹ cháu: “Thời thơ ấu quyết định cuộc đời của mỗi con người.”