Bé hiếu kỳ về thế giới xung quanh
Khi tròn một tuổi, Á Hâm hiếu kỳ về thế giới xung quanh, cháu bắt đầu có hứng thú đặc biệt với những chữ viết thần bí. Một hôm, tôi đang thái rau trong bếp, đột nhiên cháu hỏi: “Bà ơi, cái thớt viết thế nào ạ?” Tôi mừng đến mức chân tay cuống cả lên, cầm bút viết ngay ngắn trên giấy hai chữ thật to “cái thớt”. Á Hâm nhìn tới nhìn lui, sau đó đã có một phản ứng khác thường: dùng tay mô phỏng cách viết chữ. Tôi đoán đó chính là phương pháp ghi nhớ độc đáo của cháu. Cháu nội cuối cùng đã không phụ công “đàn gảy tai trâu” trong suốt 365 ngày của tôi. Kể từ đó, hai bà cháu đã bước vào một giai đoạn mới. Tôi đã không kìm nổi những giọt nước mắt mừng vui và hạnh phúc. Câu thành ngữ “đàn gảy tai trâu, không lọt tai trâu” phải nên sửa thành “đàn gảy tai trâu, vẫn lọt tai trâu”.
Bé tò mò với mọi thứ xung quanh
Tất cả các đồ vật trong nhà như đồ gia dụng, các tác phẩm nghệ thuật, đồ điện tử đều được treo thẻ chữ tương ứng với tên gọi. Trên con chó bằng sứ treo chữ “chó”, trên con ngựa bằng sứ treo chữ “ngựa”, trên gương treo chữ “gương”, trên bức ảnh cưới của bố mẹ treo chữ “ảnh”, góc giường treo chữ “giường”, chữ “tấm thảm” không treo được nên đặt ngay trên thảm. Đồ vật nào thì treo chữ đó, chúng tôi đã tạo ra một thế giới chữ viết, một môi trường nhận biết chữ: ngẩng đầu có thể nhìn thấy, giơ tay có thể sờ thấy, cúi xuống có thể suy nghĩ. Trong khi dạy cháu nói và nhận biết đồ vật thì việc nhận biết chữ cũng đã có kết quả. Khi được 15 tháng tuổi, Á Hâm đã có thể nhận biết 30 chữ Hán, 18 tháng có thể nhận biết được hơn 100 chữ Hán. Các đồ vật trong phòng có hạn, không thể thể hiện hết sự phong phú, thần bí, đầy màu sắc ẩn chứa bên trong mỗi chữ, do đó, tôi đã viết những chữ thể hiện khái niệm đối lập thống nhất trên cùng một thẻ chữ. Ví dụ, miêu tả thời gian có “sớm – muộn”, “xưa – nay”, “ngày – tháng – năm”; miêu tả không gian có “trên – dưới”, “trái – phải”, “cao – thấp”, “dài – ngăn”; miêu tả tìm cảm trạng thái có “đắng – ngọt”, “yêu – ghét”, “khóc – cười”, “động – tĩnh”; miêu tả tự nhiên có “trời – đất”, “người – thú”, “sông – núi”, “sông – biển”, “Mặt Trời – Mặt Trăng”, “gió – mưa”, “âm u – tươi sáng”, “hoa – cỏ”; miêu tả quan hệ xã hội có “nam – nữ”, “bố – mẹ”, “ông – bà”, “chị gái – em gái”, “anh trai – em trai”; miêu tả động vật có “sư tử – hươu – nai”, “mèo – cá” và 12 con giáp; miêu tả tính chất trạng thái có “dày – mỏng”, “mềm – cứng”, “thô ráp – tinh xảo” v.v… Để dạy cháu nói, nhận biết sự vật, nhận biết mặt chữ, tôi còn dạy cháu so sánh, từ việc so sánh để nhận biết mặt chữ. Việc dạy cháu bắt đầu từ cuộc sống hàng ngày, có trật tự từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.