Làm thế nào để trẻ hứng thú học?

Để trẻ tiếp xúc sớm với nội dung học tập, sớm hình thành “sự nhạy bén” với nội dung học

Tại sao trẻ thích học nói, thích nghe, thích nói, đều có thể học tốt một phương ngữ nào đó? Con người khi sinh ra đã sớm được tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ, nên bất kể phát âm khó đến đâu, hiện tượng ngữ pháp phức tạp thế nào, ngôn ngữ cũng không gây khó khăn cho trẻ. Tại sao trên đời lại có nhiều “thầy thuốc gia truyền”, “mấy đời họa sĩ”, “mấy đời thành phần trí thức” đến vậy? Do đứa trẻ của gia đình đó sau khi chào đời được tiếp xúc thường xuyên đến sự vật có liên quan. Người Pháp có câu ngạn ngữ: “Rèn luyện trong một cửa hàng sắt sẽ thành thợ rèn”. Cho nên muốn trẻ hứng thú với một thứ gì đó, chúng ta nên để trẻ tiếp xúc sớm với sự vật đó, tiếp xúc càng sớm, càng nhiều, càng lặp lại nhiều lần càng tốt.

Để trẻ học những thứ mà trẻ đã từng biết, từng cảm nhận trong cuộc sống, trẻ sẽ rất hứng thú học. Có bà mẹ dạy đứa con hơn một tuổi nhận biết ba chữ “một, hai, ba”, vì cho rằng ba chữ đó đơn giản dễ học, không ngờ bé chẳng có phản ứng gì. Nhưng sau đó dạy bé chữ “đồng hồ”, bé thích thú đọc “đồng hồ” và kèm theo là âm thanh mô phỏng tiếng chuông đồng hồ. Bé rất vui khi học chữ “đồng hồ” vì bé đã quen với chiếc đồng hồ treo trên tường, nghe quen âm thanh vui tai của nó. Khi gần hai tuổi, mẹ bé dạy bé học thơ Đường, dạy liền mấy bài đều không làm bé hứng thú. Không ngờ khi dạy bé đến câu thứ hai của bài Xuân hiểu, bé cười thích chí, nói: “Nơi nơi có chim nhỏ”, vì thường ngày bé rất thích những chú chim nhỏ, xem chúng bay, nghe chúng hót. Câu thơ đó đã dẫn dắt “cảm hứng” cho bé, bé nhanh chóng thuộc lòng bài thơ. Nhũng điều bé học đều liên quan mật thiết đến cuộc sống của bé, điều đó đã tạo cảm hứng cho bé, bé càng học càng thích.

Cho nên, chúng ta phải làm cho cuộc sống của trẻ càng phong phú càng tốt, liên hệ những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống để dẫn dắt việc học, thì chắc chắn trẻ sẽ rất hứng thú. Nhiều đứa trẻ học viết bắt đầu bằng việc viết thư cho người thân mà trẻ yêu quý nhất, khi được trả lời thư, trẻ rất vui, càng viết càng thích. Trẻ em vui chơi, học tập theo nhu cầu và cảm nhận của chúng, thì hiệu quả hơn cả trăm lần so với việc “dạy học hệ thống” mà xa rời nhu cầu của trẻ. Nếu tuổi thơ của Maksim Gorki không có những câu chuyện dân gian Nga tràn đầy hơi thở cuộc sống của bà ngoại, không có những chuyến ngao du đây đó của chính bản thân, mà chỉ dựa vào việc học và nghe giảng cứng nhắc ở trường, thì nhân loại đã thiếu đi một nhà văn vĩ đại.

Hứng thú được khơi gợi từ phương pháp học tập, được bắt đầu từ niềm vui bên ngoài hoạt động học tập, từng bước tạo ra hứng thú với tri thức và kỹ năng. Nhiều đứa trẻ học toán rất xuất sắc nhưng khi mới bắt đầu học chúng không hề yêu thích. Tất cả đều do những hoạt động trò chơi dẫn dắt, như khi một, hai tuổi chúng chạy đi chạy lại đếm cây, đếm hoa, đếm bậc thềm, đếm ôtô, đếm quân cờ… Có trẻ học thuộc bảng cửu chương như học thuộc một bài hát, học các câu thơ như “Một nhìn hai ba dặm, thôn Yên bốn, năm nhà…”… Khi đó trẻ không hề hiểu ý nghĩa thực tế của việc đếm, mà chỉ thấy vui vì được hoạt động, vì được nói, nhưng trò chơi đó lại có thể dẫn dắt trẻ vào thế giới toán học. Trẻ học chữ, học đọc cũng cần bắt đầu bằng hình thức như vậy, bắt đầu bằng những trò chơi hoạt động bên ngoài và chú trọng đến ghi nhớ máy móc.

Trong hoạt động, trẻ có được sự cảm thụ về thị giác, thính giác, xúc giác, chúng nghe nhạc và nghe người xung quanh nói chuyện rất chăm chỉ mà không hề hiểu gì, chúng đọc những bài hát, bài thơ cổ mà không biết nội dung ra sao. Nếu trẻ không ghi nhớ máy móc phát âm và hình ảnh của chữ số 3, thì làm sao chúng hiểu được 3 nghĩa là gì. Nếu không nhớ cách phát âm và chữ viết của “xe”, “pháo”, “mã” thì làm sao chúng hiểu được tác dụng của những chữ đó trên bàn cờ? Càng ghi nhớ nhiều những thứ không hiểu, trẻ sẽ càng hiểu được nhiều.

Nhưng bất luận là ghi nhớ hiểu hay ghi nhớ máy móc, thì cũng phải chú trọng đến phương pháp

Chỉ cần có phương pháp trò chơi, cộng thêm ảnh hưởng tâm trạng vui vẻ của người dạy, trẻ sẽ học (chơi) rất vui và có hiệu quả. Niềm vui đó tiếp tục phát triển đến khi bước vào quá trình hiểu, vận dụng và sáng tạo tri thức, thì hứng thú nội tại trong hoạt động trí lực sẽ sinh ra và chiếm trọn tâm hồn trẻ. Hãy xem thần đồng tính nhanh Sử Phong Thu sau khi hiểu và sáng tạo đã say sưa tính nhanh như thế nào:

Chú bé nằm bò trên giường với hàng loạt con số và phép tính, khi giấy trắng hết, chú tìm giấy bỏ đi để viết, hết giấy bỏ đi thì viết lên đùi, lên cánh tay. Khi trên người đã viết hết chỗ thì viết lên tất, lên ga trải giường, lên đất, lên tường, chẳng bao lâu sau, tường của năm gian nhà mới đã viết đầy con số. Đến giờ ăn cơm, mẹ gọi mãi mà chú cũng không dừng chơi với các con tính. Mẹ để phần chú hai cái bánh bao lên giường, chú lại viết đầy số lên bánh mà không ăn một miếng nào. Cứ như vậy, chú viết trên giường bảy tháng trời, tìm ra quy luật tính toán một số bất kỳ với các số từ 2 đến 9 và trở thành cách tính miệng nhanh. Đó chính là sức mạnh to lớn của hoạt động trí lực và hứng thú sáng tạo.

Hứng thú xuất phát từ sự khích lệ, biểu dương sẽ góp phần giúp trẻ đạt được thành công. Phải để trẻ thường xuyên nhìn thấy tiến bộ của mình, bởi vì bản thân thành công là sự khích lệ lớn nhất và phần thưởng cao nhất. Nó có thể làm cho hứng thú tăng lên theo cấp số nhân. Cho nên phải thường xuyên ghi chép lại sự tiến bộ của trẻ, lập mục hoa đỏ, làm bảng thành tích, khuyến khích trẻ thể hiện tài năng, giúp trẻ công bố tác phẩm, để tính hiếu thắng, lòng tự tin và hứng thú của trẻ cùng được tăng lên. Rất nhiều tài năng nhỏ đã ra đời từ cách đó.

Mozart sống trong gia đình có truyền thống về âm nhạc, từ nhỏ ông đã có “sự nhạy cảm âm nhạc”, ba tuổi biết chơi piano, năm tuổi học sáng tác. Nhưng tài năng âm nhạc của ông nở rộ từ một thành công ngẫu nhiên khi ông năm tuổi.

Một hôm, cha ông sáng tác một bản nhạc cho viện trưởng nhà hát, sau khi hoàn thành ông liền sai Mozart mang tới cho viện trưởng. Không ngờ trên đường đi, bản nhạc bị gió thổi bay tung khắp nơi. Mozart vừa khóc vừa đuổi theo nhặt tập bản nhạc, khi tìm lại được thì bản nhạc không còn đầy đủ nữa. Mozart rất lo bị cha quở mắng, ông chỉ còn cách chạy đến nhà bạn sáng tác một bản nhạc khác và vội vàng mang đi. Ngày hôm sau, viện trưởng dẫn con gái đến cảm ơn cha ông, nói: “Bản nhạc của ông tuyệt diệu quá!” Ông còn bảo con gái đánh bản nhạc đó lên. ha Mozart ngạc nhiên nói: “Đây không phải bản nhạc của tôi!” Lúc này Mozart đành phải kể lại câu chuyện ngày hôm qua. Sau khi nghe xong, cha ôm ông vào lòng, nói: “Thật không ngờ con lại có thể viết ra một bản nhạc tuyệt diệu như vậy, con trai ngoan của ta!”.

Câu chuyện này là lời cổ vũ rất lớn với Mozart. Bản nhạc đó cho đến nay vẫn được lưu giữ. Khi lên sáu tuổi ông theo cha đến Ý biểu diễn, ngay lập tức tài năng của ông làm chấn động giới âm nhạc. Sau này, Mozart được nhà âm nhạc nổi tiếng Haydn tôn vinh là “nhà soạn nhạc thần tài”.

Mọi công việc có liên quan đến trí lực đều phải dựa vào hứng thú.

Piaget

Những thứ có được do bị ép buộc học sẽ không được lưu giữ trong đầu.

Giáo dục thuyết Plato

Hãy đem niềm vui lớn nhất của con người – niềm vui của tri thức tới cho trẻ em!

Suhomlinski

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!