Nhiều danh nhân biết chữ sớm
Từ trước đến nay, các nhà khoa học, các nghệ sĩ, nghệ nhân có thành tựu to lớn đều được nhân loại ghi danh sử sách, được người đời sau ngưỡng mộ ca tụng. Quan trọng hơn, từ quá trình trưởng thành của những danh nhân đó, chúng ta đúc kết được những bài học kinh nghiệm quý báu, để từ đó bồi dưỡng thế hệ kế thừa – tài năng hơn, xuất chúng hơn.
Con đường trưởng thành của nhân tài luôn có quy luật, bởi trên đời này không có nhân tài bẩm sinh. Lỗ Tấn đã nói: “Cho dù là thiên tài, thì tiếng khóc đầu tiên khi sinh ra cũng giống như những đứa trẻ bình thường khác, chứ không phải là một bài thơ hay”. Đúng vậy, bất luận tiếng khóc của đứa trẻ ở dân tộc nào, quốc gia nào thì âm điệu đầu tiên đều giống nhau, tiếng khóc của trẻ sơ sinh không có “âm quê hương” chứ đừng nói đến tiếng khóc của đứa trẻ nào siêu phàm hơn. Trí tuệ của con người hoàn toàn là kết quả của hai yếu tố: tố chất bẩm sinh và quá trình bồi dưỡng sau này.
Giai đoạn trưởng thành của các danh nhân nổi tiếng được các nhà sử học ghi chép hết sức tỉ mỉ. Nhưng trong lượng tài liệu ghi chép đồ sộ đó lại có rất ít tài liệu ghi lại sự phát triển sớm của các danh nhân, điều đó quả là đáng tiếc. Hầu hết các ghi chép chỉ ghi lại sự ham học, chí tiến thủ và những thành tích mà các danh nhân có được khi họ bắt đầu trưởng thành, còn lại chỉ nói một hai câu về họ lúc họ còn nhỏ đại loại như “thông minh hiếu học từ bé”. Đặc biệt là ghi chép về thời thơ ấu của các danh nhân vô cùng hiếm hoi, đó là sự thiếu hụt to lớn của văn minh nhân loại.
Sự phát triển sớm của danh nhân là mầm trí tuệ, mầm tài năng, là bước khởi điểm của đời người. Còn biết đọc biết chữ sớm là dấu chân đầu tiên trên con đường chinh phục của họ. Chúng tôi kể ra những “dấu chân” đó làm tài liệu tham khảo để bồi dưỡng nhân tài. Ít nhất nó cũng khẳng định được biết đọc biết chữ sớm là một trong những nhân tố quan trọng để thành tài.
Đầu thế kỷ XIX, Karl Witte người Đức biết chữ sớm, bốn tuổi biết đọc, tám tuổi biết tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Latin và tiếng Hi Lạp, chín tuổi vào Đại học Leipzig, 14 tuổi nhận học vị tiến sĩ, 16 tuổi là giáo sư luật ở Đại học Berlin.
Đầu thế kỷ XX, phu nhân Stoner dạy con gái Winnie, một tuổi thuộc thơ biết chữ, hai tuổi viết nhật ký, ba tuổi làm thơ, bốn tuổi viết kịch bản bằng ngoại ngữ, năm tuổi nói được tám thứ tiếng và có bài đăng trên báo.
Nhà sáng lập thuyết điều khiển học Wiener ba tuổi biết đọc biết viết, bốn tuổi đọc một lượng lớn tác phẩm nổi tiếng, bảy tuổi đọc được tác phẩm của Dante và Darwin, 12 tuổi vào đại học. Hai người em gái của ông cũng đều biết đọc biết viết sớm. Một người vào đại học lúc 12 tuổi, người kia vào đại học lúc 14 tuổi.
Thần đồng nổi tiếng người Mỹ Sidis sau khi sinh ra không lâu đã biết chữ, xung quanh chiếc giường nhỏ treo đầy chữ cái tiếng Anh. Hàng ngày, cha mẹ ông chỉ cho con xem, đọc cho con nghe. Khi sáu tháng tuổi ông đã biết chữ, ba tuổi đọc thông viết thạo. Sáu tuổi vào tiểu học. Ngày đầu tiên đi học, buổi sáng ông vào học lớp một, đến trưa lúc mẹ đón về ông đã được vào lớp Ba. Năm đó, ông học xong tiểu học. Mười một tuổi thi đỗ vào trường Đại học Harvard nổi tiếng.
Nhà toán học, vật lý học người Anh William Thomson khi mới biết nói đã bắt đầu biết chữ. Mẹ dạy cho ông tri thức về nhiều lĩnh vực. Mười tuổi ông vào đại học, ở trường ông được nhận giải thưởng sinh viên xuất sắc.
Đại thi hào, nhà tư tưởng, nhà chính trị người Đức Goethe chưa đầy bốn tuổi đã biết đọc biết viết, ông chủ yếu đọc các bài văn viết theo hình thức thơ. Lên tám tuổi ông tinh thông tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Latin và tiếng Hi Lạp.
Lênin lúc lên năm tuổi đã được mẹ dạy chữ đọc sách. Bà còn phát huy sở trường của mình dạy Lênin ngoại ngữ và âm nhạc.
Maxwell người Anh từ một nhà toán học ở tuổi thiếu niên trở thành “ông tổ của sóng điện”. Khi lên ba, bốn tuổi ông đã được mẹ dạy học chữ, học viết, học làm tính, học thuộc thơ, khi nhỏ, ông đọc rất nhiều sách.
Darwin khi bốn, năm tuổi biết chữ, đọc bài hát thiếu nhi và thường ra vườn học kiến thức về động thực vật.
Nhà khoa học vĩ đại thời cổ đại của Trung Quốc Trương Hằng, biết chữ rất sớm, lúc 10 tuổi đọc nhiều loại sách và học thiên văn địa lý.
Một trong tứ kiệt đầu nhà Đường – Vương Bột, sáu tuổi biết “làm văn, cấu tứ rành mạch, từ ngữ tinh tế”. Chín tuổi viết Hán thư chú. Mười lăm tuổi viết Đằng vương các tự nổi tiếng.
Lạc Tân Vương viết bài thơ “Vịnh thiên nga” lúc sáu tuổi.
Thi tiên Lý Bạch “năm tuổi đọc Lục giáp, 10 tuổi xem Bách gia”.
Thi thánh Đỗ Phủ trước khi biết nói đã bắt đầu biết chữ, “bảy tuổi có chí lớn, mở miệng ngâm phượng hoàng” viết bài thơ Phượng hoàng.
Bạch Cư Dị chưa đầy ba tuổi đã biết chữ, sáu tuổi tỏ rõ tài thơ, “chín tuổi thông thanh luật”, 13 tuổi viết “Ly ly nguyên thượng thảo, nhất tuế nhất khô vinh” (“Đồng cao cỏ mọc như chen, khô tươi thay đổi hai phen năm tròn”, Tản Đà dịch) lưu danh muôn thuở.
Vương Vũ Xưng đời Tống biết đọc sớm, năm tuổi biết làm thơ. Tất Văn Giản thấy nhà ông mưu sinh bằng nghề xay bột nên bảo ông viết Bài thơ xay bột. Ông buột miệng ngâm “Đán tồn tâm lí chính. Vô sầu nhãn hạ trì…”. (nghĩa là chỉ cần giữ cho trong lòng luôn chính trực, không cần lo lắng vì sự chậm trễ trước mắt) làm cho mọi người không ngớt lời khen ngợi.
Đại thi sĩ Hoàng Đình Kiên năm tuổi đã đọc thuộc Ngũ kỉnh, Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, sau đó đọc Xuân Thu, “mười ngày học thuộc, không sót một chữ”. Lên bảy tuổi viết thơ mục đồng “Kị ngưu viễn viễn qua tiền thôn, xuy địch phong tà cách lũng văn. Đa thiểu Trường An danh lợi khách, cơ quan dụng tận bất như quân” (nghĩa là cưỡi trâu qua thôn trước mặt, gió thổi tiếng sáo làm bờ bên kia cũng nghe thấy, bao nhiêu khách danh Lợi ở Trường An, dùng mọi mưu kế cũng không bằng người). Nhỏ tuổi nhưng ông đã có cách lý giải sâu sắc về xã hội đương thời.
Trong lịch sử Tào Thực, Lý Hạ, Lục Du và tám nhà văn nhà thơ lớn đời Đường Tống đều biết đọc biết viết sớm, thể hiện tài thơ văn và trở thành đại văn hào. Liễu Tông Nguyên lúc bốn tuổi, cha ông mang theo rất nhiều sách trong nhà khi đi làm quan ở Giang Nam, mẹ ông đành phải tự viết ra các tác phẩm để dạy Liễu Tông Nguyên học chữ đọc sách, làm thơ viết văn. Không lâu sau ông đã học thuộc 14 bài từ phú cổ rất sâu sắc và khó.
Y thánh Lý Thời Trân đời Minh cũng biết chữ sớm, từ nhỏ đã đọc xong các sách khó như Thích điểu, Thích thú, ông còn biết được nhiều đơn thuốc của cha.
Học giả Cố Viên Vũ đầu đời Thanh khi sáu tuổi đọc xong cuốn Đại học, 10 tuổi đọc sách binh thư Tôn Tử, Ngô Tử và các sách sử Tả truyện, Quốc ngữ, Chiến quốc sách.
Được mệnh danh là “quái tài”, Lương Khỏi Siêu bốn tuổi tinh thông Tứ thư, sáu tuổi đọc xong Ngũ kinh, 11 tuổi đỗ tú tài, nổi tiếng khắp nơi.
Một trong những bát quái đất Dương Châu là Trịnh Bản Kiều ba tuổi bắt đầu biết chữ đọc thơ, sáu tuổi đọc thạo và chép được Tứ thư, Ngũ kinh, học thức uyên bác.
Trong những danh nhân thời kỳ hiện đại của Trung Quốc, cũng có nhiều người biết chữ sớm. Nhà khí tượng học Trúc Khả Trinh hai tuổi biết chữ, năm tuổi vào tiểu học.
Tề Bạch Thạch bốn tuổi biết chữ, sáu tuổi học thuộc làu hàng trăm chữ Hán ông nội dạy.
Nhà thơ cận đại nổi tiếng Hoàng Tôn Hiến ba tuổi vào trường tư thục, 10 tuổi viết ra những vần thơ phi phàm.
Từ Bi Hồng biết chữ sớm, sáu tuổi đọc Luận ngữ.
Lý Đại Chiêu biết chữ khi vừa tròn ba tuổi, bốn, năm tuổi đọc Thiên tự văn, Tam tự kinh, ông nội còn dạy ông câu đối, tranh chữ, văn bia.
Chu Ân Lai năm tuổi biết chữ, biết viết. Sáu tuổi đọc thuộc hàng chục bài thơ Đường, bắt đầu đọc sách Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký…
Nhậm Bật Thời bốn tuổi biết chữ luyện viết bút lông, không lâu sau chép lại được Tiền xuất sư biểu của Gia Cát Lượng, Tống Đổng Thiệu Nam tự và Nguyên đạo của Hàn Dũ.
Hướng Cảnh Dữ năm tuổi biết đọc sách, sáu tuổi đọc và hiểu Mộc Lan từ.
Lỗ Tấn biết chữ sớm, năm tuổi bắt đầu đọc nhiều sách. Nên đến thời thanh niên ông hiểu sâu về văn hóa truyền thống Trung Quốc, làm nền tảng vững chắc cho những sáng tác sau này.
Quách Mạt Nhược khi ba tuổi đã biết chữ, thường thích ngâm thơ văn. Bảy tuổi biết làm thơ, biết đối câu.
Ba Kim năm tuổi đi học trường tư thục với anh chị, buổi tối về nhà đọc Bạch Hương từ phủ. Đó là tác phẩm nghệ thuật ông đọc sớm nhất.
Văn Nhất Đa năm tuổi vào trường tư thục cải lương do cha ông mở, ông không chỉ đọc Tứ thư, Ngủ kinh mà còn đọc sách lịch sử và nhiều thể loại khác.
Triệu Thụ Lý năm tuổi đọc Bách gia tính, Tam tự kinh, Thơ thần đồng và còn đọc không ít sách thánh kinh của ông nội.
Nhà văn Thẩm Tùng Văn khi lên bốn tuổi được mẹ dạy các tên thuốc, không lâu sau ông đã học được 600 chữ. Mẹ ông thường đặt câu hỏi để khơi dậy khả năng suy nghĩ của ông.
Hùng Khánh Lai khi năm tuổi biết chữ đọc sách, rất thích đặt câu hỏi. Một hôm, lũ trẻ muốn ông già lái thuyền kể chuyện cho chúng nghe. Ông già bảo, cháu nào viết được tên thôn “Tức Tể” ông mới kể. Khánh Lai bẻ cành cây, viết lên đất hai chữ “Tức Tể” ngay ngắn. Sau này ông đã trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực toán học cận đại của Trung Quốc.
… Lẽ nào những ví dụ điển hình trên không gợi mở cho chúng ta điều gì? Đương nhiên, chúng ta không được coi nhẹ những cách giáo dục khác mà các danh nhân đó được tiếp xúc thời thơ ấu, môi trường tốt, thực tiễn phong phú mà họ có được. Nhưng biết chữ, biết đọc giúp họ cảm nhận sâu sắc hơn, giúp họ tiếp thu dinh dưỡng tinh thần của nhân loại từ rất sớm, hình thành thói quen tự học, suy nghĩ, để bước vào con đường của danh nhân.
Trí tuệ không xuất phát từ học lực; mà từ sự tìm tòi tri thức trong suốt cuộc đời.
Einstein
Các sự vật lâu dần củng gây ra cảm giác nhàm chán; đọc sách càng đọc càng có hứng thú.
Trình Di