Những điều cần biết khi trẻ bị chấn thương mắt

trẻ bị chấn thương mắt

Trẻ nhỏ thường rất bất cẩn nên dễ gặp phải các chấn thương trong đó có chấn thương ở mắt. Phải chữa trị mau chóng các chấn thương ở mắt vì chúng có thể có hậu quả lâu dài cho khả năng nhìn của con bạn.

Phải chữa trị mau chóng các chấn thương ở mắt vì chúng có thể có hậu quả lâu dài cho khả năng nhìn của con bạn. Nếu bé bị một cú đập vào mắt, chắc hẳn là hốc mắt sẽ bảo vệ cho chính con mắt, tuy nhiên vùng xung quanh có thể sưng lên và bị bầm giập khi các mạch máu nhỏ li ti dưới da bị bể.

Trong trường hợp mắt bất ngờ bị một hóa chất hắt vào, tai nạn này phải được xử lý như một ca cấp cứu. Xà bông vào mắt có thể khiến cho bé làm rùm beng lên nhưng chất đó không gây tổn thương. Nếu một đồ chơi hay một vật dụng sắc bén khác đâm vào mắt hoặc làm đứt da gần con mắt hoặc trên mí mắt, tai nạn này phải được xử lý như một ca cấp cứu.

Trẻ bị chấn thương mắt có nghiêm trọng không?

Một con mắt tím bầm trông dễ sợ, song ít khi nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu một hóa chất hay một vật bén nhọn gây tổn thương mắt cho con bạn, tai nạn này nghiêm trọng và phải được xử lý như một ca cấp cứu.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị chấn thương mắt?

  1. Đắp một tấm gạc lên mắt. Nếu bé đã bị một cú đập vào mắt, hãy đắp một miếng gạc lạnh lên mắt trong nửa giờ để giới hạn mức độ bầm giập.
  2. Nếu mắt bé bị một hóa chất làm tổn thương, hãy thử rửa cho hóa chất trôi đi ngay với nước, trước khi đưa đi bác sĩ hay tới bệnh viện gần nhất. Nếu được, hãy đưa bé tới trước bồn rửa chén hay rửa mặt và giữ đầu bé dưới vòi nước lạnh, nghiêng về bên mắt bị thương, cho nằm dưới cùng để không cho hóa chất có thể chảy vào bên mắt lành hoặc xuống mặt. Giữ mắt mở và để cho nước chảy vào từ khóe mắt trong. Làm như vậy trong 15 phút. Bằng không thì đặt bé nằm xuống sàn, đầu xoay nghiêng về một bên sao cho mắt bị thương ở dưới cùng, và đổ nước lạnh từ một cái bình, cái chén hay xô nước vào mắt. Đắp một tấm gạc hay một chiếc khăn tay sạch, dán băng keo cho nằm nguyên chỗ lên mí mắt để giữ cho mắt nhắm.
  3. Nếu có những mảnh hóa chất còn dính vào con ngươi, không nên tìm cách lấy chúng đi. Đắp một tấm gạc hay một chiếc khăn tay sạch, dán băng keo cho nằm nguyên chỗ lên mí mắt để giữ cho mắt nhắm và đưa bé tới bệnh viện gần nhất.
  4. Nếu chấn thương là do một vật dụng sắc bén, hãy che mắt bị thương với một tấm gạc hay một chiếc khăn tay sạch, dán băng keo cho không bị xê dịch và đi ngay tới bệnh viện gần nhất.
  5. Nếu có máu chảy ra từ vết thương, hãy giữ tấm gạc chắc trên vết cắt để cầm máu và đưa bé tới bệnh viện gần nhất.

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị chấn thương mắt?

Hãy đi khám bác sĩ ngay hoặc tới bệnh viện gần nhất sau khi xối nước rửa trôi các hóa chất khỏi mắt con bạn. Hoặc nếu bé còn bị những tổn thương khác nữa ở mắt, ngoài mắt tím bầm hay vết cắt nhỏ.

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị chấn thương mắt?

  • Bác sĩ sẽ xử lý mắt thế nào? Nếu chấn thương là do một hóa chất, bạn hãy cầm theo cái chai đựng hóa chất; nếu không, bạn hãy ghi lại nguyên nhân nào đã gây chấn thương và thuật lại cho bác sĩ ở bệnh viện.
  • Nếu mí mắt bé bị đứt da, bác sĩ sẽ khâu lại vết cắt, để bớt bị sẹo.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!