Những điều cần biết khi trẻ bị hăm tã

trẻ bị hăm tã

Hăm tã là một chứng bệnh ngoài da thường xảy ra ở vùng da mà bé hay dùng tã lót. Nguyên nhân và cách phòng, điều trị chứng hăm tã ở trẻ là gì?

Hăm tã là một chứng ngoài da tác động lên một vùng thường được tã lót che kín và chứng này có thể xảy tới dù các miếng lót được sử dụng làm bằng vải hay thuộc loại dùng một lần rồi bỏ. Lớp da có thể hơi đỏ, hoặc nứt nẻ và tấy đỏ với những đốm có mủ. Có nhiều lý do gây ra chứng hăm tã, nhưng thông thường nhất là do nước tiểu và phân tiếp xúc với da quá lâu. Các vi khuẩn trong phân em bé tiêu hủy nước tiểu và giải phóng amoniac, là một chất kích thích mạnh (Các vi khuẩn này sinh sống hợp nhất trong môi trường kiềm và bởi vì phân những trẻ bú bình có tính kiềm – khác phân của trẻ bú mẹ, có tính a-xít – nên trẻ bú bình dễ có nguy cơ bị hăm tã do ammoniac hơn). Trong những trường hợp như thế, chứng ban xuất hiện xung quanh bộ phận sinh dục, và nếu để nguyên không chữa trị, lớp da trở nên căng bóng và có thể sinh ra mụn mủ và luôn có mùi amoniac khai nồng bốc lên từ tã lót. Chứng hăm tã cũng có thể do tắm em bé xong lau không khô. Trong những trường hợp như vậy, chứng hăm tã thường chỉ xuất hiện ở những ngấn da ở phía trên đùi.

Nếu chứng hăm tã bao phủ phần lớn vùng có quấn tã, mà bạn lại dùng tã lót bằng vải, thì chứng hăm tã có thể là do phản ứng dị ứng với các hóa chất trong bột giặt đã sử dụng để giặt giũ, hoặc là với thuốc tẩy vải. Phản ứng này là một dấu hiệu sớm của một dạng chàm eczema, gọi là eczema dị ứng.

Một chứng ban xuất hiện từ chung quanh hậu môn và lan ra mông, đùi có thể không phải là do hăm tã mà do nhiễm nấm (gọi là bị đẹn hay đẹn tưa).

Chứng hăm tã ở trẻ có nghiêm trọng không?

Hăm tã không nghiêm trọng có thể đề phòng dễ dàng và chữa được tại nhà.

Triệu chứng hăm tã ở trẻ có thể gặp:

  • Da đỏ vùng quấn tã.
  • Da đỏ từ bộ phận sinh dục và đi kèm với mùi amoniac nồng nặc.
  • Da căng, mỏng như giấy lấm tấm đốm đỏ, ở giữa có mủ.
  • Da đỏ từ xung quanh hậu môn và lan ra mông và tới đùi.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị hăm tã?

  1. Một khi bạn để ý thấy đít em bé đỏ, bạn hãy rửa đít cho cháu bằng nước ấm và thấm khô kỹ càng. Bạn hãy thoa nhiều kem bảo vệ, như thuốc mỡ oxyd kẽm, để đề phòng nước tiểu làm da tấy đỏ.
  2. Năng thay tã và rửa đít cho em bé (ít nhất hai tới ba giờ một lần và ngay sau mỗi lần đi cầu). Khi nào có thể được, bạn hãy để hở đít cho cháu khỏi quấn tã.
  3. Bạn nên sử dụng loại tã xài một lần rồi bỏ, vì loại này được thiết kế cho nước tiểu thấm xuyên qua bề mặt dầy cái tã trong khi sát da mông em bé thì được giữ khô.
  4. Bạn đừng rắc phấn rôm quanh bộ phận sinh dục em bé. Khi ướt, phấn đóng tảng và làm tấy da.
  5. Bạn hãy kiểm tra trong miệng em bé. Nếu thấy có những mảng trắng, bạn hãy thử chùi đi cho sạch với một chiếc khăn tay sạch. Nếu chúng để lại những mảng đỏ, rớm máu, em bé của bạn bị đẹn (tưa) miệng và chứng bệnh này có thể gây nên chứng hăm tã.

Có cần đi khám bác sỹ không khi trẻ bị hăm tã?

Hãy đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt, nếu các biện pháp nêu trên không làm cho hết chứng hăm tã trong vòng hai ba ngày, hoặc nếu bạn cho là con mình bị đẹn.

Bác sỹ có thể làm gì khi trẻ bị hăm tã?

  • Bác sỹ sẽ xác định nguyên nhân của chứng hăm tã và sẽ có thể yên tâm là bạn đã sử dụng cách chữa trị tại nhà tốt nhất. Bác sỹ có thể đề nghị những cách chữa trị khác thay thế.
  • Trong trường hợp chứng hăm tã trở nên nhiễm trùng, bác sỹ có thể kê toa một thuốc bôi có kháng sinh.
  • Nếu bé phát ra những triệu chứng đầu tiên của bệnh chàm eczema, bác sỹ sẽ hỏi xem bạn đã sử dụng bột giặt hay thuốc tẩy nào để giặt giũ tã lót của em bé và có thể khuyên bạn nên đổi nhãn hiệu khác nếu loại bạn đang dùng gây eczema cho bé. Bác sỹ có thể kê toa một thuốc bôi có cortisone để sử dụng có mức độ.
  • Nếu hăm tã là do nấm đẹn, bác sỹ sẽ kê toa một thứ kem chống nấm.

Giúp trẻ bị hăm tã bằng cách nào?

  • Tiếp tục năng thay tã cho em bé và luôn luôn sau mỗi lần đi cầu.
  • Bạn hãy cố sử dụng quần nhựa plastic càng ít chừng nào càng tốt chừng nấy. Những quần loại này ngăn không cho không khí lưu thông quanh mông đít em bé.
  • Hãy giặt kỹ các tã lót bằng vải của em bé. Bạn hãy tiệt trùng bằng cách ngâm trong dung dịch tiệt trùng, giặt tã trong nước thật nóng và giũ xả nước kỹ càng để loại bỏ mọi dấu tích thuốc tẩy và amoniac.
  • Nếu chứng hăm tã lặp đi lặp lại, bạn hãy đổi loại tã đang dùng sang loại tã dùng một lần khác, hoặc sang tã bằng vải (hay ngược lại).

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!