Ho là một phản xạ của cơ thể để đẩy các dị vật ở họng hoặc khí quản ra ngoài. Cha mẹ cần làm gì khi bé bị ho?
Ho hoặc là triệu chứng của một bệnh hoặc là một cách phản ứng của cơ thể đối với nhân tố kích thích họng hay khí quản. Ho có thể đưa đàm lên phổi và chất nhớt trong từ khí quản, ví dụ như trong một cơn suyễn hoặc ho gà (người ta gọi hiện tượng này là ho có đàm). Ho khan, không sinh ra đàm, nhiều khi không rõ nguyên nhân. Nguyên tố kích thích làm cho bị nhiễm trùng kinh niên hoặc nước mũi do cảm thường, cả hai đều chảy xuống và làm nhột phía sau cuống họng. Ho khan cũng có thể là cách phản ứng của cơ thể để đẩy ra một vật lạ bị dính vào khí quản. Ho có thể là do “hút thuốc thụ động” gây nên. Nếu người lớn xung quanh bé hút thuốc nhiều, khói thuốc lá có thể kích thích cổ họng bé và làm cho bé ho. Trẻ con có thể chọn ho như một cách để gây sự chú ý, trong trường hợp này thì ho trở thành một tích máy móc (máy cơ) hoặc một cách làm điệu.
Bệnh ho ở trẻ có nghiêm trọng không?
Ho thường không nghiêm trọng mặc dù có thể làm cho khó chịu. Tuy nhiên, ho mà làm cho khó thở đến độ bé trở nên tím tái quanh môi và ì ạch mới thở được, là nghiêm trọng và cần được xử lý như một trường hợp cấp cứu.
Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị ho?
- Nếu bé ho lên đàm, hãy đặt bé nằm ngang đùi bạn như thể bạn sắp đét đít nó. Vỗ nhẹ lên lưng cháu để giúp cho long đàm, dễ ho.
- Đừng cho bé uống thuốc để cắt cơn đối với chứng ho có sinh đàm. Nếu ho không văng đàm ra, thì càng có nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Nếu bạn nghĩ là bé có một vật lạ, hãy cố lấy vật lạ đó ra.
- Nếu bé ho ban đêm, hãy kê gối cho bé nằm, đầu và vai cao lên. Làm như vậy sẽ ngăn không cho nhớt hay nước mũi chảy xuống cổ họng.
- Để làm cho bé bớt đau họng, hãy cho bé uống nước chanh nóng pha với mật ong.
Có cần đi khám bác sỹ không khi trẻ bị ho?
Hãy đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt nếu bé không bớt ho trong ba hay bốn ngày sau, hoặc nếu bé không ngủ được ban đêm, hoặc nếu bạn không lấy được vật lạ ra khỏi cuống họng bé. Đi khám bác sỹ ngay nếu bé sinh ra ho từng cơn, hoặc nếu chứng ho đi kèm với triệu chứng thở mau, thở ì ạch, hay thở khò khè. Đó có thể là bạch hầu thanh quản hay suyễn.
Bác sỹ có thể làm gì khi trẻ bị ho?
- Nếu chứng ho của bé là một triệu chứng của một bệnh nhiễm trùng như viêm tai giữa, viêm amidan, hay bạch hầu thanh quản, bác sỹ sẽ kê toa thuốc kháng sinh để chữa khỏi bệnh nhiễm trùng.
- Nếu bé mắc phải một bệnh nhiễm siêu vi, bác sỹ sẽ có lời khuyên về cách làm giảm các triệu chứng và giúp cho bé ho khạc đàm ra.
- Nếu chứng ho là một phần của bệnh suyễn, bác sỹ có thể sẽ kê toa những thuốc giãn phế quản giúp cho khí quản, phế quản mở rộng.
- Bác sỹ có thể kê toa thuốc nhỏ mũi để tra có mức độ cho bé trước khi đi ngủ. Các thuốc nhỏ này làm giảm sung huyết và tránh không cho chất nhờn chảy xuống phía sau cuống họng.
- Bác sỹ có thể kê toa một loại thuốc ho, hoặc là một loại giảm ho (nhằm làm dịu đau họng và giảm kích thích) hoặc một loại thuốc làm long đàm (để khuyến khích ho ra hết đàm).
Giúp trẻ bị ho bằng cách nào?
- Giữ cho bé được yên tĩnh và ấm áp sao cho đừng có bất cứ bệnh nhiễm trùng nhẹ nào lan vào phổi và gây nên một bệnh nhiễm trùng nặng hơn, như viêm phế quản chẳng hạn.
- Đừng để cho bé chạy chơi nhiều quá vào ban ngày. Thở hụt hơi có thể tạo ra cơn ho.
- Khuyến khích cho bé nằm sấp hay nằm nghiêng sang một bên vào ban đêm, để cho chất nhớt đừng chảy vào cuống họng.
- Giữ cho bầu không khí trong phòng bé có đủ độ ẩm, bằng cách mở cửa sổ. Đừng sưởi căn phòng quá nóng.
- Đừng hút thuốc trong nhà và đừng đưa bé tới những nơi nhiều khói.
Xem thêm:
- Amidan – viêm amidan
- Bạch hầu thanh quản
- Hen (suyễn)
- Ho gà
- Tic (máy cơ)
- Viêm tai giữa
- Viêm tiểu phế quản
Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.