Những điều cần biết khi trẻ bị mụn rộp

trẻ bị mụn rộp

Mụn rộp là những bọng nước nhỏ xíu hình thành quanh lỗ mũi, quanh môi và ở nơi khác trên mặt. Mụn rộp rất dễ bị tái phát. Triệu chứng và cách điều trị mụn rộp ra sao?

Mụn rộp là những bọng nước nhỏ xíu hình thành quanh lỗ mũi, quanh môi và ở nơi khác trên mặt. Các bọng nước này bể ra, chảy nước rồi đóng vẩy và biến mất. Mụn rộp do một siêu vi (Herpes simplex) sống thường xuyên ở đầu các dây thần kinh của một số người lớn và trẻ em gây nên. Khi nhiệt độ da tăng lên – có lẽ do lạnh, hoặc khi ra ngoài nắng – con siêu vi được hoạt hóa. Đợt tấn công đầu xuất hiện dưới hình thức những vết lở miệng rất đau. Những đợt tấn công sau, có khuynh hướng xảy ra nhiều hơn khi trẻ con biết chạy chơi, thì ở dưới dạng những bọng nước.

Bệnh mụn rộp ở trẻ có nghiêm trọng không?

Mụn rộp không nghiêm trọng trừ khi nổi lên gần mắt, nơi chúng có thể gây nên vết loét hình thành phía trước nhãn cầu.

Triệu chứng bệnh mụn rộp ở trẻ có thể gặp:

  • Vùng da đỏ nhô lên, thường là quanh lỗ mũi và môi, cảm thấy rần rần và ngứa. Sau đó, có những bọng nước nhỏ xíu hình thành trên điểm này.
  • Các bọng rỉ ra nước sau đó rồi đóng thành vẩy.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị mụn rộp?

  1. Một khi đã hình thành bọng nước, bạn hãy ngăn đừng cho bé rờ tới vùng này. Bạn giữ cho hai bàn tay bé được sạch.
  2. Hãy thoa cồn khoa ngoại lên các mụn rộp để làm chúng khô đi, hoặc thoa một thứ kem làm dịu cơn ngứa như vaselin chẳng hạn để các mụn rộp giữ được độ ẩm trong khi con siêu vi đi hết chu kì của nó. Cách điều trị này hay cách khác có thể làm cho bé giảm đau, bớt ngứa phần nào.

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị mụn rộp?

Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu có một mụn rộp nằm gần mắt bé và đặc biệt nếu các mụn rộp trở nên đỏ hơn và mưng mủ ở giữa. Mụn rộp đã trở nên nhiễm vi khuẩn. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, nếu bé bị mụn rộp trở đi trở lại.

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị mụn rộp?

  • Trong trường hợp mụn rộp bị nhiễm trùng bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc mỡ kháng sinh để làm trơn vùng rộp và chữa trị nhiễm trùng.
  • Bác sĩ có thể kê toa một thứ kem chống siêu vi để thoa lên vùng bị rộp một cách đều đặn để ngăn chặn sự tấn công của siêu vi.

Giúp trẻ bị mụn rộp bằng cách nào?

  • Cho bé sử dụng khăn tắm và khăn mặt riêng của mình.
  • Đừng để cho bé hôn những đứa trẻ khác. Con siêu vi có thể lan truyền theo cách đó.
  • Nếu bé có khuynh hướng nổi mụn rộp sau khi ra nắng, bạn hãy thoa kem chống nắng lên môi và mũi bé khi bé chơi ngoài nắng.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!