Những điều cần biết khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là một hình thức bị viêm dạ dày, ruột non do ăn phải thức ăn bị nhiễm chất độc thường từ vi khuẩn. Ở bé, chứng bệnh này khá nghiêm trọng vì các triệu chứng có thể dẫn tới mất nước một cách nhanh chóng.

Ngộ độc thực phẩm là một hình thức bị viêm dạ dày, ruột non do ăn phải thức ăn bị nhiễm chất độc thường từ vi khuẩn. Trong vòng từ 3 đến 24 giờ, tùy theo chất độc, các triệu chứng đau bụng quặn, sốt, nôn mửa và tiêu chảy, xảy ra một cách dữ dội. Trong trường hợp thức ăn đã bị nhiễm vi khuẩn, vi khuẩn này tiết ra chính độc tố của chúng, ảnh hưởng trực tiếp trên lớp niêm mạc ruột, gây ra chứng viêm. Có nhiều loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, nhưng thông thường nhất là salmonella, shighella, staphylococcus và E.coli. Đó cũng là những vi khuẩn chính gây ngộ độc thực phẩm cho các em bé bú bình. Có những kiểu ngộ độc thực phẩm khác không do vi khuẩn, các triệu chứng có thể phát sinh ra do ăn phải hóa chất, thuốc trừ sâu, hay một vài cây cỏ.

Chứng ngộ độc thực phẩm có nghiêm trọng không?

Ở bé, chứng bệnh này nghiêm trọng vì các triệu chứng có thể dẫn tới mất nước một cách nhanh chóng.

Triệu chứng có thể gặp khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm:

  • Đau bụng quặn thắt.
  • Sốt.
  • Nôn mửa.
  • Đi tiêu nhiều lần ra phân lỏng có thể có máu, mủ, hoặc chất nhớt.
  • Cơ bắp suy nhược và lạnh run.
  • Biếng ăn.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm?

  1. Nếu bé nôn mửa và tiêu chảy, hãy cặp nhiệt kế xem bé có sốt không.
  2. Kiểm tra xem phân bé có chất nhớt hay máu không.
  3. Cho bé nằm nghỉ và ngưng cho ăn, nhưng duy trì mức nước trong cơ thể bằng cách năng cho uống những lượng nước nhỏ, nhớ bỏ thêm một dúm muối và 5 ml (một muỗng cà phê) glucose vào mỗi ly đồ uống.
  4. Cố xác định xem bé đã ăn gì có thể gây ra các triệu chứng nêu trên.

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm?

Hãy đi khám bác sĩ ngay hay đưa em bé tới phòng cấp cứu gần nhất nếu chứng nôn mửa và tiêu chảy kéo dài quá sáu tiếng khi bạn không khắc phục được bệnh tình này bằng chế độ cho uống nước. Đi khám bác sĩ ngay hoặc phòng cấp cứu gần nhất nếu nghi ngờ bé đã uống phải thuốc trừ sâu hay ăn phải cây cỏ có chất độc (nhớ mang theo chất độc khả nghi.)

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm?

  • Trong đa số các trường hợp, không có phép chữa trị đặc biệt nào cho ngộ độc thực phẩm, ngoài việc bù nước và muối khoáng đã bị mất đi theo tiêu chảy và ói mửa. Chắc hẳn bác sĩ sẽ kê toa một thứ bột hàm chứa glucose và những muối thiết yếu để thêm vào các đồ uống của bé và thay thế các cữ bú đối với em bé đang bú bình.
  • Nếu em bé hay bé có nguy cơ bị mất nước, bác sĩ sẽ cho bé nhập viện để được truyền dịch vào tĩnh mạch. Trong trường hợp bé nôn mửa nghiêm trọng, bác sĩ có thể chích cho bé một mũi thuốc chống nôn.

Giúp trẻ bị ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?

  • Đặt một cái xô hay thau gần giường bé để bé nôn vào, khỏi phải chạy vào nhà vệ sinh.
  • Nếu bé bị sốt, hãy chườm cho bé được mát mẻ với một túi nước đá hay một khăn mặt ướt.
  • Hãy giữ vệ sinh thật kỹ lưỡng. Ngộ độc thực phẩm dễ lây lan nên bạn hãy nhắc bé rửa tay thật sạch sau mỗi lần đi cầu. Chính bạn cũng nhớ rửa tay sau khi thay tã cho bé.
  • Để đề phòng ngộ độc thực phẩm, hãy cất vào tủ lạnh mọi thức ăn đã nấu chín và khi hâm lại, hãy đun nóng thật kỹ. Vi khuẩn Salmonella sinh sôi nẩy nở trong thức ăn ở nhiệt độ ấm nhưng bị hủy diệt ở nhiệt độ cao.
  • Nếu bé không chịu uống vào đủ nước hoặc bé không ưa mùi vị thuốc bột đặc biệt, hãy cho bé nhấp những miếng dưa lê xắt hạt lựu.
  • Hãy làm tan hết đá trước khi đun nấu các thức ăn đông lạnh, đặc biệt là gà, vịt, thịt heo và nấu những thức ăn này cho thật chín.
  • Cho ăn trở lại những thức ăn nào dễ tiêu như các món xúp, mứt và những thức ăn không chứa mỡ, ngay khi bé đòi ăn. Bệnh thường khỏi hẳn trong vòng một tuần.
  • Hãy theo chỉ dẫn của bác sĩ về cách cho bú trở lại, đối với em bé đang bú bình.
  • Hãy kiểm tra xem bé đã ăn gì 24 giờ trước. Đổ bỏ bất cứ thịt, cá đã nấu chín, thức ăn từ sữa hay bánh ngọt nào nghi ngờ là đã gây ngộ độc.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sĩ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sĩ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!