Những đứa trẻ biết chữ, biết đọc sớm

Trẻ biết chữ biết đọc sớm

Bước vào thập kỷ 1980, Trung Quốc bắt đầu hướng tới giáo dục sớm và siêu giáo dục với mục tiêu đào tạo nhân tài có tố chất cao. Giáo dục sớm không những có đóng góp quan trọng cho chất lượng dân số, mà còn tạo nền móng vững chãi cho siêu giáo dục, giúp siêu giáo dục phát hiện bồi dưỡng, phát triển lượng lớn mầm tài năng.

Tài năng xuất hiện trong các lĩnh vực văn học, âm nhạc, hội họa, thể dục, biểu diễn nghệ thuật và nhất là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Tiến sĩ Lý Chính Đạo đã nói: “Trên thế giới, nhân tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên thường có thành tựu lúc hơn 20 tuổi và Trung Quốc dường như không có ngoại lệ”. Hiện nay, hơn một nghìn trường đại học dành cho thiếu niên trên cả nước hầu hết đều chú trọng phát triển khoa học tự nhiên. Dù là sự phát triển phi thường thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể tách rời việc biết chữ, biết đọc. Đây là yếu tố cần và đủ để chú chim ưng tung cánh bay.

Để chứng minh việc biết chữ biết đọc sớm có thể thúc đẩy sự phát triển phi thường của trẻ, tôi đã thu thập các các câu chuyện về các cháu để các bậc phụ huynh cùng tham khảo.

Bé Mậu Tinh Tinh ở Kinh Châu Hồ Bắc mới 10 tháng tuổi đã rất thích thú khi được người nhà đọc sách cho bé nghe, một tuổi rưỡi đã có thể đọc tên các bức tranh sơn thủy trên tường. Ba tuổi bé có thể tự đọc sách, từ đó sách trở thành nhu cầu hàng đầu của bé. Ngày 17 tháng 9 năm 1985, sở giáo dục Kinh Châu tiến hành khảo sát và kết luận bé Tinh Tinh khi đó tròn ba tuổi rưỡi, có khả năng đọc tương đương với trình độ của học sinh lớp Ba, lớp Bốn.

Bé Diệu Ân ở huyện Ninh Tấn Hà Bắc, khi 10 tháng tuổi đã được cha dạy chữ, hai tuổi hai tháng đã nhận biết được hơn 1200 chữ, bé tỏ ra rất thông minh hoạt bát. Các thầy cô khoa giáo dục trường Đại học Sơn Tây đã tiến hành khảo sát với bé, IQ của bé lúc hai tuổi năm tháng rất cao.

Bé Lưu Tuấn Vĩ ở thành phố Liễu Châu Quảng Tây, khi một tuổi hai tháng bắt đầu học nhận mặt chữ, bé học rất nhanh các chữ chỉ đồ vật xung quanh mình như: “cửa”, “cửa sổ”, “bàn”, “ghế”, “giường”. Khi một tuổi mười tháng bé biết bảy, tám trăm chữ. Trong khi chơi đùa cha mẹ kết hợp dạy bé đọc thơ Đường, chơi bài, nhận biết các hình không gian, học chữ học đọc, làm cho bé ngày càng thông minh hoạt bát. Ba tuổi bé đã nhận biết được hai nghìn chữ Hán, vượt qua mức tiêu chuẩn xóa mù của nhà nước quy định.

Bé Trịnh Hướng Minh con của thầy giáo Trịnh ở Học viện Công nghiệp khoáng sản Trung Quốc, từ nhỏ đã bắt đầu biết chữ và học các kiến thức phổ thông khác, cuộc sống với bé là những giờ học vui vẻ. Khi mua bắp cải người lớn dạy bé hai chữ “bắp cải”, khi mua “củ cải” lại hỏi bé có nhớ hai chữ “củ cải” không. Dùng phương pháp tương tự với việc dạy tiếng Anh, đến khi 5 tuổi, Trịnh Hướng Minh đã biết hơn 2000 chữ. Bé sử dụng thành thạo Tự điển Tấn Hoa, đọc lưu loát sách báo, biết hơn một nghìn từ đơn tiếng Anh, hơn một trăm câu hội thoại đơn giản tiếng Anh, biết tính diện tích chiếc bàn nhỏ…

Bé Thiệu Văn Hạo từ nhỏ đã thích đặt câu hỏi, thích tự tay làm đồ vật, thích xem bản đồ. Cha mẹ dạy cho bé nhiều kiến thức bổ ích về thế giới. Gia đình đặt mua các loại sách báo như “Nhi đồng Trung Quốc”, “Báo khoa học thiếu niên”, “Báo tiểu chủ nhân”. Sách báo trở thành người bạn tốt của bé. Năm lên bảy tuổi bé tham gia cuộc thi trí tuệ toàn quốc có tên “bắt đầu từ tiểu học” và giành được giải nhất.

Bé Hoàng Đạt Vĩ con của anh Hoàng Tiêu Nam người Mỹ gốc Hoa, khi tám tháng tuổi đã chơi trò xếp chữ, bé làm quen với việc học tiếng Hán, tiếng Thái và tiếng Anh. Khi hai tuổi rưỡi bé đã biết đọc, năm tuổi rưỡi bé vào tiểu học, được bồi dưỡng tại lớp chất lượng cao ở Mỹ. Năm 1984, khi tám tuổi bé thi đỗ vào khoa y trường Đại học Thomas thành phố Houston. Chỉ trong vòng một năm, thành tích các môn học của bé đều thuộc loại xuất sắc hoặc khá giỏi.

Bé Tào Vũ con của thầy Tào ở Học viện Dầu mỏ Đại Khánh, khi hai tuổi chơi cờ tướng đã biết các chữ trên quân cờ. Bà ngoại dạy bé học chữ học viết, giảng thơ Công quan của Diệp Kiếm Anh cho bé nghe. Cha hỏi bé về những ví dụ “từ cổ có nhiều thiếu niên xuất chúng”, bé đều nói ra vanh vách các tên Tào Thực, Vương Bột, Lý Bạch… Phương pháp giáo dục lý tưởng và khai thác trí lực đã giúp bé ngày càng phát triển. Mười ba tuổi bé thi đỗ vào lớp thiếu niên Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc.

Bé Phùng Lung Lung ở Thượng Hải từ nhỏ đã được giáo dục toàn diện. Bắt đầu từ việc nhận biết hoa lá cỏ cây, chim muông sâu bọ, học chữ, vẽ, đếm, tháo lắp đồ chơi, trò nào bé cũng thích, những hoạt động đó đã phát triển khả năng tự học của bé. Trong quá trình học, bé liên tục học vượt cấp, 19 tuổi trúng tuyển khoa vật lý thiên văn Đại học Khoa học Trung Quốc.

Bé Ngô Siêu được bình chọn là một trong 10 đội viên xuất sắc của cả nước năm 1986. Bé chào đời khi mẹ mới mang bầu bảy tháng, khả năng nhận biết của bé hoàn toàn bình thường. Bé biết chữ biết đọc sớm. Bé đọc nhiều sách tham khảo ngoài chương trình học, chịu khó suy nghĩ, giỏi quan sát, gặp vấn đề khó đều quyết tâm tìm cách giải quyết. Do bé thích đọc sách, thích nghiên cứu, lại biết chế tạo, lúc tám tuổi bé đã chế tạo ra “hương muỗi tiện lợi”, được nhà nước cấp bằng sáng chế, sau đó bé lại chế tạo ra “nồi tỏa nhiệt”.

Nhà thơ nhỏ tuổi Bạch Lôi huyện Thụy An Triết Giang đã trưởng thành như thế nào? Tuy cha mẹ bé chỉ có trình độ văn hóa bậc tiểu học và trung học, nhưng họ đều ham mê học tập. Từ nhỏ, mỗi lần thấy cha xem báo, Bạch Lôi cũng bắt chước cha, cứ như là bé đã biết đọc vậy. Khi cha đi làm, bé thường hỏi cụ bà hàng xóm về các chữ viết mà bé nhìn thấy trên báo. Ai cũng biết bé là một đứa trẻ ham học. Cha bé thấy con mình hiếu học nên đã đặt nhiều loại báo để bé đọc, như “Nhi đồng Trung Quốc”, “Báo phiên âm”, “Báo thiếu niên Trung Quốc”, “Báo thanh niên Trung Quốc”. Ông còn mua “Tự điển Tân Hoa”, “Từ điển thành ngữ” và nhiều sách văn học thiếu nhi cho con. Bé đọc rất say mê. Lên lớp Ba, bé học làm thơ. Hai bố con thường đọc thơ, sửa thơ. Mỗi lần được bố đưa đi chơi, có dịp tiếp xúc, quan sát thế giới tự nhiên bé thường xuyên đặt câu hỏi, thảo luận, càng ngày bé càng ham thích. Tháng 9 năm 1980, trong cuộc thi thơ dành cho lứa tuổi nhi đồng trên thế giới, bài thơ “Tôi giúp búp bê tìm mẹ” của bé đứng thứ hai trong số tám tác phẩm đoạt giải. Lúc đó, bé mới chỉ là một học sinh lớp hai tám tuổi.

Bé Mã Toàn dân tộc Hồi ở Côn Minh được mệnh danh là “bông hoa lạ bên hồ Điền Trì”, từ nhỏ được nghe mẹ kể chuyện đồng thoại, chơi thẻ chữ, đọc họa báo thiếu nhi, đó cũng chính là những người thầy đầu tiên của bé. Do biết chữ sớm, những mục thông tin, biển quảng cáo trên đường đều trở thành “giáo trình” của bé. Bé thường xuyên đọc sách cùng mẹ, trên giá sách của bé đã xếp đầy những sách 365 chuyện kể hàng đêm, Hoa buổi sớm, Truyện cổ tích Andersen, Tuyển tập đồng thoại nước ngoài… Mã Toàn lại đem những câu chuyện đọc được trong sách kể cho các bạn hàng xóm. Tuổi rưỡi, bé bắt đầu viết văn, chỉ trong vòng bốn năm, bé đã đăng truyện đồng thoại, tản văn, tiểu thuyết, truyện ngụ ngôn trên hơn 50 tờ báo tạp chí như “Thiếu niên phương Đông”, “Thời đại nhi đồng”, “Văn học Đại Tây Nam”, “Báo buổi tối Bắc Kinh”, “Báo buổi tối thanh thành”… và hơn 100 tiểu phẩm truyền hình và nhiều lần nhận giải thưởng. Năm 1985, Mã Toàn hoàn thành bộ sách “Giấc mơ thanh xuân”, phát hành hơn 13 vạn quyển, là bộ sách trọng điểm trong triển lãm sách báo toàn quốc năm 1985.

Tiểu minh tinh Phương Siêu ở Bảo Kê Thiểm Tây sau khi biết chữ sớm đã rất thích đọc truyện tranh. Trên bàn, trên ghế, trên giường bày đầy truyện tranh. Bé xem nhiều truyện nên khi đạo diễn giảng giải về kịch bản bé tiếp thu dễ dàng hơn. Bé thường biểu diễn ánh mắt, động tác, biểu lộ tình cảm của các nhân vật mà bé đã đọc trong truyện. Hai tuổi rưỡi, bé bắt đầu quay phim, tám tuổi rưỡi đã đóng các phim “A, chiếc nôi”, “Người chăn ngựa”. Vai Tiểu Băng Băng trong “Nước suối róc rách” đã đem lại cho bé giải thưởng “Tiểu Bách Hoa”.

Bé Đổng Khôn ba lần đoạt vòng nguyệt quế trong cuộc thi violon là con của một giáo viên họ Đổng công tác tại khoa âm nhạc trường Đại học Sư phạm Hà Bắc. Khi Đổng Khôn mới bi bô tập nói, cha mẹ đã mong bé học violon và tương lai sẽ trở thành nhân tài âm nhạc. Nhưng họ cũng hiểu rằng tri thức văn hóa vô cùng quan trọng đối với một nghệ sĩ violon tương lai. Nếu không có tri thức văn hóa uyên bác thì sẽ không học tốt violon được, nhiều nhất cũng chỉ có thể trở thành một người chơi violon bình thường. Bởi vậy, khi bốn tuổi, Đổng Khôn đã học chữ học đọc, học violon, điều tiết hai việc một cách hài hòa. Hàng ngày, bé dành tương đối nhiều thời gian để luyện đàn, nhưng thành tích các môn văn hóa cũng rất xuất sắc. Năm 1983, sau khi vào trường tiểu học thuộc Học viện Âm nhạc Thượng Hải, bé tham gia cuộc thi quốc tế và đoạt liền ba giải quán quân. Nghệ sĩ violon nổi tiếng người Mỹ Henry Rose nói: “Màn trình diễn của bé bộc lộ tài năng hiếm có, động tác điều khiển của những ngón tay, tình cảm dạt dào và đôi tai nhạy bén đều cho thấy bé là “nhân tài chịu được thử thách và rất đáng khen ngợi”. Nếu không được bồi dưỡng học chữ học đọc sớm thì bé không thể làm được như vậy.

Nhà khắc dấu Thượng Hải Thái Thiên Thạch có tuổi thơ bất hạnh. Ông bị tàn tật bẩm sinh, khi sinh ra chỉ cử động được tay trái. Mẹ ông quyết tâm: “Cho dù là một cục thịt tôi cũng cần nó, huống hồ nó còn có chân tay”. Nhưng khi ông ba tuổi, cha ông bị quy kết là người của phe cánh hữu. Mẹ dịu ông trên lưng đi làm, cuộc sống dựa vào thu nhập ít ỏi kiếm được từ công việc quét dọn. Mẹ ông ban ngày đi làm, buổi tối vẫn tranh thủ thời gian dạy con học chữ. Sau này nhờ vào sự yêu thích chữ viết, ông đã tự học, trau dồi cho mình trình độ văn hóa phổ thông. Với nghị lực kiên cường ông đã tự học khắc con dấu. Cuối cùng, dưới sự giúp đỡ của mẹ, Thái Thiên Thạch đã vươn mình đứng dậy, tạo ra kỳ tích khắc con dấu bằng một tay. Tác phẩm của ông nổi tiếng trong và ngoài nước, đã từng 36 lần được ca ngợi trên báo chí, sáu lần tham gia triển lãm trong và ngoài nước.

Trong cuốn Bí mật thần đồng xuất bản năm 1987, tôi viết mục “Phẩm chất quan trọng nhất trong đời người là cần cù”, trong đó kể về cậu bé Lưu Tuấn Kiệt ở Chu Châu, Hồ Nam. Thông qua các trò chơi hoạt động, mẹ đã dạy bé học chữ, lên một tuổi bé Tuấn Kiệt đã nhận biết 200 chữ, hai tuổi biết đọc, hai tuổi rưỡi biết 1100 chữ, ba tuổi biết làm phép tính cộng trừ dưới 100, ba tuổi rưỡi biết tra tự điển, biết tính toán các phép tính cộng trừ nhân chia nhiều chữ số. Bốn tuổi bé biết hơn 2500 chữ, biết sử dụng dấu câu, biết viết đoạn văn, đọc được nhiều sách, vì vậy bé đã được đặc cách vào lớp Ba. Khi chưa đầy chín tuổi, bé đã vào trung học, khoẻ mạnh, tinh thần tích cực, tính cách hoạt bát cứng cỏi, thành tích học tập tốt. Chín tuổi bé tham gia cuộc thi hùng biện của thành phố Chu Châu và đoạt giải cao. Năm 1993, khi 12 tuổi Tuấn Kiệt thi đỗ vào khoa Điện quang Đại học Khoa học Tự nhiên Hoa Trung. Nếu giáo dục trung học có thể tiến hành cải cách, chọn lọc môn học, giảm bứt bài tập, tạo ra môi trường thoải mái tự do học tập, thì sự phát triển của một đứa trẻ như vậy càng lý tưởng… Trong số những sinh viên đại học ở tuổi thiếu niên, những câu chuyện thời thơ ấu như vậy càng nhiều. Học giả người Mỹ Terman sau khi tiến hành điều tra với 1500 đứa trẻ có chỉ số IQ trên 130 đã rút ra kết luận: “Chúng có hứng thú với những vấn đề lý tính, trừu tượng hơn là những vấn đề trong cuộc sống thực tế, đặc biệt chúng có khả năng đọc sách siêu phàm”.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cảm nhận thực tiễn cuộc sống của trẻ, nhưng bồi dưỡng khả năng tự đọc sách mới là con đường để thành tài. Với sự phát triển cao độ của khoa học như hiện nay, làm sao mỗi chúng ta đều có thể đi cùng sự phát triển của khoa học, học vật lý không cứ phải đến tháp nghiêng Pizza ném bóng để nghiệm chứng lý luận của Galilê, vì vậy chúng ta nên dạy trẻ phát triển toàn diện, trong đó biết chữ biết đọc là nội dung cần thiết.

Không thể chỉ cho trẻ cơm ăn, áo mặc,

mà phải cho chúng nguồn lương thực tinh thần,

phải để chúng nhìn được đến tương lai.

Tống Khánh Linh

Yêu con, đó là việc mà con gà mái cũng biết,

nhưng phải biết cách dạy chúng, đó là một việc trọng đại của đất nước.

Điều này cần đến tài năng và tri thức cuộc sống uyên bác.

Maksim Gorki

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!