Để làm phong phú những cảm nhận trong cuộc sống của trẻ nhỏ, cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
Để trẻ hấp thụ mọi điều từ cuộc sống xung quanh tới những nội dung mới lạ, không được để trẻ “khảnh ăn”
Khi trẻ khoảng một tuổi, nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với các loại đồ dùng trong gia đình, đồ dùng trong các bữa ăn, các loại đồ chơi nhỏ; tìm hiểu môi trường xung quanh như cây cối, hoa cỏ, các loài động vật nhỏ, chúng sẽ cảm thấy vô cùng mới lạ và hấp dẫn. Khi trẻ lớn lên, tự nhiên tầm nhìn của chúng theo đó cũng được mở hơn.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên bỏ lỡ cơ hội đưa trẻ đi xem những cuộc triển lãm hoa, những buổi biểu diễn ca múa nhạc, ngồi trên những phương tiện giao thông khác nhau, tham quan các cuộc triển lãm, đi leo núi, đi bơi, trượt băng, đến thăm người thân, họ hàng, bạn bè, cũng người lớn ngắm mặt trời mọc, đếm các vì sao trên trời, chế tạo đồ chơi, làm thí nghiệm… để kích thích lòng nhiệt tình và ham học hỏi của trẻ. Tóm lại, nguồn dinh dưỡng dành cho tinh thần phải đầy đủ, toàn diện, không được để trẻ “khảnh ăn”, “kén ăn” hoặc để đến nỗi suy dinh dưỡng vì thiếu dưỡng chất.
Hướng dẫn trẻ quan sát mọi lúc, mọi nơi, đưa ra câu hỏi và suy nghĩ
Thế giới mà chúng ta đang sống vô cùng phong phú nhưng do bản thân con người không phát hiện ra những điều hấp dẫn ấy nên tự cảm thấy cuộc sống thật nghèo nàn, đơn điệu và vô vị.
Vì vậy, hướng dẫn trẻ có thói quen quan sát và đặt câu hỏi ngay từ khi còn nhỏ sẽ làm cho cuộc sống của trẻ thêm phần phong phú. Ví dụ, hướng dẫn trẻ quan sát trong nhà có bao nhiêu đồ vật có màu sắc, để ý xem ai nói nhiều hơn; vì sao có những âm thanh nghe thật êm đềm, âm thanh ấy gọi là gì; vì sao lại có những âm thanh rất chói tai, âm thanh ấy thì gọi là gì; những loài cỏ nhỏ vì sao lại mọc rất dài, chúng “ăn” cái gì và nhổ lên xem thử; vì sao khi mèo đi không nghe thấy tiếng bước chân của nó và thử bắt mèo lên rồi quan sát chân chúng…
Có thể nói, trong cuộc sống không có nơi nào là không ẩn chứa những điều thú vị cho trẻ học tập, không có nơi nào không ấp ủ nguồn dinh dưỡng tinh thần của trẻ, vấn đề là ở chỗ các bậc cha mẹ có phát hiện ra nó và hướng dẫn trẻ cùng phát hiện và tìm hiểu hay không. Có được năng lựa quan sát, phát hiện và đặt câu hỏi, chúng ta sẽ không còn phải lo lắng tới việc trẻ thiếu những cảm nhận trong cuộc sống.