Trẻ xem một chữ cũng hứng thú như xem một bức tranh, xem một con tem vậy, với trẻ nhũng thứ đó đều rất mới mẻ, lạ lẫm. Khi trẻ bắt đầu học chữ, ấn tượng là điều quan trọng nhất. Sau hai tuổi trẻ có thể quan sát phân tích kết cấu của chữ, học so sánh và phân biệt tương đối sớm. Tiểu Xuyên chưa đầy ba tuổi trong một lần đi cùng bà nội, khi đi ngang qua cổng trường, nhìn thấy tấm biển trước cổng, bé đọc to “ra vào xuống xe”, nhưng lại đọc thành “người ra xuống xe”. Bà nội khen ngợi bé và đọc to bốn chữ “ra”, “vào”, “xuống”, “xe”. Từ đó Tiểu Xuyên đã biết phân biệt sự khác biệt rất nhỏ giữa hai chữ “入” (vào) và “人” (người). Lên ba tuổi khi học vẽ tranh phong cảnh, Tiểu Xuyên hỏi bà nội: “Chữ “cảnh” viết thế nào hả bà?”. Bà nội viết cho bé xem. Bé xem xong reo lên: “A, chữ “cảnh” thật dễ nhớ, trên là chữ “nhật” bẹt, ở dưới là chữ “kinh” trong “Bắc Kinh”. Có thể thấy rằng khả năng quan sát phân tích của trẻ khi học chữ đã được nâng cao. Thị giác từ nhỏ của trẻ đã có thể nắm bắt hình ảnh chữ viết một cách sắc bén, điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bồi dưỡng trí nhớ
Thời gian đầu trẻ học chữ, chúng ta nên tận dụng ghi nhớ vô thức của trẻ, sau đó rèn luyện ghi nhớ có ý thức cho trẻ. Quan trọng nhất là trí nhớ phải được rèn luyện qua các hoạt động tập trung chú ý. Từ nhỏ, trẻ chơi trò chơi học chữ, thường được khen, được thưởng, nhiệm vụ ghi nhớ luôn được xác định rõ ràng, thói quen trí nhớ cũng theo đó mà hình thành, nên hiệu quả ghi nhớ không ngừng tăng lên. Rất nhiều phụ huynh tham gia vào thực nghiệm đã gửi thư đến cho chúng tôi, họ nói con họ khi một tuổi rưỡi, mỗi ngày có thể nhớ được một, hai chữ, sau đó số lượng các chữ tăng dần. Đến ba tuổi, mỗi ngày chơi học chữ 15 đến 20 phút, trẻ có thể nhớ được hơn 30 chữ mới, nhiều nhất là trong vòng 20 phút, trẻ nhớ được 50 chữ. Sang ngày hôm sau khi được khích lệ tham gia “kiểm tra”, trẻ chỉ quên bốn chữ.
Nắm bắt thông tin bằng thị giác sâu sắc hơn, lâu bền hơn bằng thính giác. Ví như muốn nhớ tên của một người lạ, ấn tượng khi nghe giới thiệu bằng lời nói rất mơ hồ, nhưng nếu được cầm tấm danh thiếp, thì ấn tượng lại rất rõ ràng, không dễ quên. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”.
Sau khi học chữ sớm và bắt đầu học đọc, trí nhớ của trẻ được nâng cao một cách đáng kinh ngạc. Khi phát huy đầy đủ tác dụng của thị giác, khả năng ghi nhớ của trẻ sẽ phát triển đến trình độ cao hơn, tri thức của trẻ sẽ phong phú hơn. Điều đó lý giải tại sao có rất nhiều học sinh tiểu học khi mới ở tuổi mẫu giáo, học sinh trung học tuổi nhi đồng, học sinh đại học tuổi thiếu niên đã có những sự phát triển khác người.
Phát triển khả năng tư duy và khả năng tưởng tượng
Tư duy và tưởng tượng của con người không thể tách rời ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ là phương tiện của tư duy, ngôn ngữ chính là “dòng tư duy”. Một khi con người tách khỏi ngôn ngữ, thì tư duy, tưởng tượng và những hành vi đi cùng với nó sẽ không còn tồn tại nữa, khi đó con người nhìn nhận thế giới, hoạt động bản năng giống như động vật. Khi xem xét sự phát triển tư duy và tưởng tượng ở tầm cao, yếu tố ảnh hưởng sâu sắc nhất đến con người vẫn là ngôn ngữ viết. Như trên đã nói, bản thân chữ viết đã có tác dụng liên tưởng, làm xuất hiện sự cảm nhận và ý tưởng, nhìn chữ là lập tức liên tưởng đến các tình huống liên quan. Mặt khác, vốn từ của ngôn ngữ viết phong phú hơn, cách dùng từ hoàn chỉnh hơn, sâu sắc hơn, xác đáng hơn vốn từ của ngôn ngữ nói, nên tự nhiên thúc đẩy tư duy con người càng tinh tế hơn, chuẩn xác hơn, tưởng tượng bay bổng hơn, rộng lớn hơn. Chính vì vậy, ngôn ngữ viết tác dụng rõ rệt đối với việc phát triển tư duy và tưởng tượng của trẻ.
Quan trọng hơn, sau khi trẻ biết chữ sớm biết đọc sám, ngôn ngữ viết thông qua việc đọc, việc ghi nhớ và suy nghĩ sẽ nhanh chóng chuyển thành ngôn ngữ nội tâm không thành tiếng. Ngôn ngữ nội tâm phong phú đó sớm được kết hợp với tư duy sẽ đưa tư duy và khả năng tưởng tượng lên một tầm cao mới. Những trẻ biết chữ biết đọc sớm đều rất biết nói chuyện, thích kể chuyện, thích kể những gì mình nhìn thấy, biết nêu câu hỏi, biết tranh luận. Hiểu biết của trẻ ngày càng phong phú. Thông qua đọc, trẻ sẽ sớm tiếp thu được nhiều kiến thức về lịch sử, quan hệ con người, thiên văn địa lý, tự nhiên, triết lý nhân sinh…
Câu chuyện của cháu Tiểu Nhiệm Hoàn ở Thạch Gia Trang, chưa đầy ba tuổi đã bắt đầu học chữ đọc sách, bảy tuổi biết viết nhật ký, làm thơ, thường xuyên có tác phẩm đăng báo, 10 tuổi đã xuất bản tập thơ Nhiệm hoàn. Nhân tài như cháu từ lâu không còn là hiện tượng cá biệt. Nhìn từ góc độ tác dụng thúc đẩy tư duy và tưởng tượng ngôn ngữ viết, thì điều đó hoàn toàn họp với quy luật. Đó cũng là lý do tại sao những người nổi tiếng, những cây đại thụ từ cổ chí kim đều là những người từng học chữ, học đọc sớm.