Sự phát triển cơ thể
Sau khi sinh 2 tuần, bên ngoài, bé yêu của bạn không có sự thay đổi rõ rệt, chỉ có các nếp nhăn đã gần như biến mất, da bé trở nên bóng và mịn hơn. Đến ngày thứ 10, cân nặng của bé bắt đầu tăng ổn định. Mỗi tuần bé tăng khoảng 200 – 300g, đến khi đầy tháng bé sẽ tăng khoảng 700g – 1.000g.
Mách nhỏ
Q – Hỏi: Làm thế nào để đo thóp cho bé?
A – Đáp: Thóp của bé có hình thoi, phương pháp đo chính là tính khoảng cách nối 2 điểm giữa của 2 đường đối diện hình thoi.
Phát triển trí tuệ
Lúc này, chân tay bé rất linh hoạt, đặc biệt là chân: khua khoắng liên tục, khi bế trong tư thế dựa lưng bé vào lòng người bế bé hướng ra ngoài, tay ôm dưới nách bé, chân bé lập tức có phản xạ đạp, bước về phía trước, khi bé được 3 tháng, phản xạ này sẽ hết. Phần đầu thì hoạt động hơi khó khăn, khi nằm nghiêng mà một bên mặt ghé sát xuống giường, phải cố gắng lắm bé quay ra được một chút. Tuy đầu chưa cứng, nhưng thân người bé đã duỗi thẳng và có thể lật người sang bên trái hoặc bên phải. Bé lúc này rất hay nắm chặt tay, gần như lúc nào tay bé cũng ở trong tư thế: bốn ngón sau ôm chặt lấy ngón cái, nhưng khi đưa vật gì vào tay bé, bé chỉ nắm chặt được một lúc.
Ngoài ra, biểu cảm trên khuôn mặt bé khá phong phú, bé biết nhăn mặt, bĩu môi, có bé còn hơi mỉm cười.
Hiện tượng sinh lý đặc biệt
Do hormone estrogen của mẹ vẫn còn lưu lại trong cơ thể bé, nên một số bé gái sau vài ngày sinh có hiện tượng âm đạo chảy máu hoặc khí hư. Đây là điều bình thường, không cần xử lý, qua 2 – 3 ngày, hiện tượng này sẽ hết. Ngoài ra, cho dù bé trai hay bé gái cũng có thể xuất hiện tình trạng bầu vú sưng to lên hoặc tiết ra sữa, đây là hiện tượng bình thường, sau này cũng sẽ tự biến mất, bởi vạy không được bóp hoặc ép bầu vú, tránh gây viêm nhiễm.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chú ý đến phần thóp của bé (phần lõm trên đỉnh đầu bé). Thông thường, đường kính thóp khoảng 1 – 3cm, nếu nhỏ hơn 1cm hoặc lớn hơn 3cm thì cần được kiểm tra.