Tại sao tính hiếu kỳ, lòng ham học hỏi lại là “một mái chèo” giúp trẻ phát triển?
Bởi vì hứng thú là người thầy tốt nhất, nên hoạt động học tập chỉ cần thỏa mãn nhu cầu có hứng thú của trẻ là đã thành công được một nửa.
Đối với trẻ em, điều gì khó học nhất? Đó không phải những thứ sâu sắc phức tạp, mà là những thứ không mang lại hứng thú khi học. Còn điều gì trẻ dễ học nhất? Đó không phải những thứ mà người lớn cho là đơn giản nhất, mà là những điều đem lại niềm vui lớn nhất cho trẻ. Mức độ dễ, khó trong học tập của trẻ em không nằm ở mức độ nhiều ít, nông sâu của nội dung và đa dạng phức tạp của các môn học, mà ở chỗ hoạt động học tập có làm cho chúng vui hay không.
Chúng ta vẫn cho rằng nói dễ đọc khó, nhưng rất nhiều trẻ biết sớm sau khi được khơi dậy hứng thú học chữ học đọc, lại dựa vào học chữ để luyện phát âm, đọc câu, đọc truyện thúc đẩy học nói. Chúng ta lại cho rằng phép cộng dễ hơn phép nhân, nhưng có những trẻ biết sớm coi bảng phép nhân như bài hát của trẻ em và học thuộc một cách hào hứng, chúng học phép nhân trước để thúc đẩy việc tính toán bằng phép cộng. Rất nhiều người nói nên học bài hát trước khi học thơ cổ, thơ cổ ít nhất cũng phải đợi đến bậc cuối tiểu học mới học được. Nhưng không ít đứa trẻ khi mới bắt đầu học, chúng đã thích thơ cổ và các tác phẩm văn học hiện đại, chúng phát triển ngôn ngữ nghệ thuật đó trước. Còn có rất nhiều “fan” âm nhạc nhí khi sinh ra đã nghe những bản nhạc cổ điển nổi tiếng trong và ngoài nước, chứ không thích giai điệu đơn giản của các bài ca dao nhi đồng. Tóm lại, với việc học của trẻ, chúng ta không thể dựa vào mức độ khó dễ, nông sâu mà người lớn nhận định để xác định theo kiểu suy đoán logic nên học gì trước, học gì sau. Trẻ em luôn say mê với những thứ được tiếp xúc từ nhỏ và những thứ chúng thấy thú vị để từng bước đạt được hiệu quả học tập. Không gì ngu ngốc hơn việc dạy trẻ học chữ học đọc và thưởng thức cuộc sống, lại không quan tâm đến hứng thú của trẻ, mà dạy trẻ cứng nhắc theo giáo trình và tiến độ kiểu “thao tác”.