Tâm nguyện dạy con thành tài có mối quan hệ mật thiết tới vận mệnh của nhân loại

Tâm nguyện dạy con thành tài của những người làm cha mẹ có mối quan hệ mật thiết tới vận mệnh của nhân loại. Tuy nhiên, điều đó không đòi hỏi các bậc phụ huynh phải hi sinh những nỗ lực phấn đấu sự nghiệp của bản thân để chỉ chuyên tâm dạy dỗ con cái. Ngược lại, lý tưởng, sự phấn đấu, tinh thần trách nhiệm cũng như thái độ làm việc của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến quá trình giáo dục con cái. Những bậc cha mẹ luôn tích cực phấn đấu vươn lên, tuy thời gian tiếp xúc với con cái ngắn, song lý tưởng, thái độ đối với cuộc sống cùng lời nói và hành động thực tế của họ chính là động lực để nuôi dạy con tốt. Vì vậy, chúng ta có thể gắn kết tâm nguyện dạy con thành tài với việc theo đuổi lý tưởng của bản thân thành một thể thống nhất.

Cha của Archimedes – bậc thầy của nền khoa học hiện đại, người muốn “xoay chuyển địa cầu” là một nhà yêu nước Hy Lạp đã tận mắt chứng kiến cảnh nền văn hóa rực rỡ thời Hy Lạp cổ đại dần dần suy yếu trong thời đại của mình, ông vô cùng đau lòng và luôn trông chờ con trai mình sau này có thể chấn hưng nền văn hóa Hy Lạp. Chính vì thế, khi con cất tiếng khóc chào đời, ông đã đặt cho nó một cái tên không tầm thường – Archimedes, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nhà tư tưởng kiệt xuất”. Từ nhỏ, Archimedes đã được cha dạy bảo hết sức cẩn thận. Cha của ông luôn dùng lý tưởng và chính cuộc sống của mình để dạy con. Ngay khi Archimedes vừa mới biết nhận thức và hiểu được ý nghĩa cái tên của mình thì hạt giống của chí tiến thủ cùng lòng tự tin đã được gieo mầm trong suy nghĩ trẻ thơ của ông rồi.

Một hôm, hai cha con đang dạo chơi trên bờ biển, người cha hỏi:

– “Archimedes à, con có biết ở bờ bên kia của biển lớn là nơi nào không?”

“Là Ai Cập, cha ạ!”

“Đúng rồi, là Ai Cập. Ở đó có hải cảng Alexandria, là nơi tập trung rất nhiều các học giả nổi tiếng đồng thời có những thư viện lớn với các loại sách phong phú, con có muốn tới đó học tập không?”

“Cha à, con rất muốn!” Archimedes hào hứng trả lời.

“Phải vượt trùng dương để tới nơi xa xôi ấy học tập, con không sợ những con sóng lớn ngoài biển khơi sẽ nuốt chửng con sao?”

“Cha ơi, con không sợ đâu!”

Về sau, Archimedes đã được gửi đi đào tạo chuyên sâu tại trung tâm học thuật nổi tiếng thế giới thời bấy giờ. Archimedes cuối cùng đã trở thành một nhà vật lý học có tên tuổi.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!