Trẻ có bản tính thích chơi đùa
Để tạo ra không khí học tập, cũng là để bọn trẻ trong lúc học chữ có thể tập viết chữ, vẽ tranh, tôi đóng cho mỗi đứa một quyển vở. Lúc đầu, bọn trẻ mở to mắt ngạc nhiên hỏi: “Ông ơi, cái này để làm gì ạ?” Tôi trả lời: “Ông đóng cho mỗi cháu một quyển vở, là học sinh trường Đại học Vũ Hán, không làm bài tập sao được?” “ Vở bài tập là gì ạ?” Tôi trả lời: “Viết những chữ các cháu đã biết vào đây, vẽ những gì đã học lên đây, mấy hôm nữa gửi cho Đại học Vũ Hán, các thầy cô giáo xem sẽ rất vui và nói: “ Chà, chà! Nhỏ thế này mà đã biết đọc, biết viết lại còn biết vẽ tranh!” Chúng vui mừng vỗ tay và nói: “A, a, chúng ta phải viết chữ thôi, chúng ta phải viết chữ thôi!” Sau khi đóng vở xong, tôi lại viết lên bìa vở: “Vở bài tập sinh viên thiếu niên trường Đại học Vũ Hán, lớp Một, Học sinh xxx”. Khi đưa cho bọn trẻ, chúng vừa chỉ đọc đi đọc lại những dòng chữ ghi trên quyển vở, và thuộc ngay lúc đó. Từ đó về sau, mỗi lần đóng vở mới cho bọn trẻ, tôi đều phải ghi những dòng chữ đó lên bìa, không thì chúng không chịu. Bọn trẻ cố gắng phấn đấu để được vào Đại học Vũ Hán, chúng mừng vui reo hò khi nghĩ mình sẽ trở thành sinh viên Đại học Vũ Hán. Những suy nghĩ thơ ngây đó của bọn trẻ vừa buồn cười vừa thật đáng yêu.
Đưa nội dung học tập vào các trò chơi
Tận dụng bản tính thích chơi đùa của trẻ, chúng ta nên đưa nội dung học tập vào các trò chơi. Đây là một chân trời mới để mở ra một môi trường tốt đẹp cho trẻ. Để trẻ có sự chuẩn bị tốt bước tiếp theo, cũng để làm phong phú hơn nội dung của trò chơi, tôi cùng bọn trẻ chơi trò chỉnh đốn hàng ngũ, tập bước đi; “Cậu làm thầy giáo, tớ làm học sinh” – chơi trò lên lớp. Tôi còn dạy chúng gấp những con thuyền nhỏ bằng giấy lộn, nặn những con gà nhỏ, những chú chó nhỏ bằng đất sét v.v… Tinh thần học tập của bọn trẻ rất cao. Khi tinh thần học tập lên cao, tôi lại thực hiện theo những ý tưởng của mình, đưa ra kế hoạch dạy học, căn cứ vào tình hình thực tế, có sự bố trí hợp lý: Mỗi sáng sau khi thức dậy, tranh thủ lúc các cháu mặc quần áo, tôi mở băng “Tiếng Anh cho mẹ và bé”. Sau khi mặc xong quần áo, tôi hướng dẫn bọn trẻ làm vệ sinh, ăn cơm. Sau khi ăn cơm, thông qua trò chơi để giới thiệu cho bọn trẻ những nội dung bài mới đã chuẩn bị trước (thời gian không được quá dài). Sau đó, tôi đi làm, trước khi đi, còn giao chương trình và nội dung chơi, kiểm tra, ôn tập vào buổi trưa và buổi chiều, không dạy thêm kiến thức mới. Buổi tối, tôi căn cứ vào nội dung học để kể chuyện và tổ chức các cuộc thi.
Ý nghĩa của trẻ rất đơn giản, hành động và lời nói còn ngây thơ, non nớt. Chỉ cần tạo ra môi trường học tập và sinh hoạt tốt, chúng sẽ hình thành nên thói quen, phản xạ có điều kiện. Đây chính là “ảnh hưởng của môi trường”, “lĩnh hội từ hoàn cảnh” được đề cập trong “Phương án 0 tuổi”, và lâu dần sẽ hình thành “tính nhạy cảm trong học tập ở trẻ”.