Tổng quan về bệnh bạch cầu ở trẻ em

Bệnh Bạch Cầu

Bệnh bạch cầu là một dạng ung thư hiếm gặp do sự bộc phát mau lẹ của hàng triệu bạch cầu sơ khai.

Các bạch huyết cầu có tính ung thư ngăn cản tiến trình phát triển bình thường của các hồng huyết cầu thuần thục, điều này làm giảm tính miễn dịch đối với bệnh nhiễm trùng và chúng ngăn cản cả sự phát triển của các tiểu cầu, là những tế bào phụ vào cơ chế cầm máu của cơ thể. Thông thường, dấu hiệu đầu tiên khi bé mắc bệnh là tình trạng thiếu máu và giảm khả năng hồi phục sau khi mắc bệnh nhiễm trùng.

Triệu chứng có thể gặp:

  • Thiếu máu – nhợt nhạt, mệt mỏi và thở hổn hển.
  • Dễ mắc bệnh nhiễm trùng.
  • Đau chân, tay; nếu đau chân, có thể thấy bé đi cà nhắc.
  • Nổi ban xuất huyết – một loại ban đỏ tía, ấn xuống không biến đi.
  • Có khuynh hướng dễ bị bầm da.
  • Chảy máu cam lặp đi lặp lại.

Bệnh Bạch Cầu Ở Trẻ Em

Có thể làm được gì?

Có một thời gian, viễn cảnh tương lai đối với trẻ bị bệnh bạch cầu quả là đen tối, tuy nhiên trong vòng mười năm trở lại đây, việc điều trị đã làm tăng cơ may chữa khỏi bệnh hoàn toàn đối với 50 phần trăm những trẻ mắc phải loại bệnh bạch cầu thông thường nhất.

Những trẻ em mắc bệnh này sẽ do một bác sỹ chuyên khoa nhi có kinh nghiệm về bệnh bạch cầu trẻ em chữa trị. Người ta sẽ cho nhiều thứ thuốc cùng một lượt, một số để uống, một số chích. Trong dạng bệnh bạch cầu thông thường nhất của trẻ em, người ta có sử dụng thêm xạ trị và các loại thuốc đặc trị để tiêu diệt các tế bào ung thư trong não. Khởi đầu việc điều trị, người ta có thể cho trẻ truyền máu. Trong trường hợp một số bạch huyết cầu tụt xuống mức quá thấp người ta sẽ cho trẻ sống cách ly để chống tái nhiễm trùng và các khách tới thăm sẽ phải đeo mặt nạ và mặc áo choàng. Sau đó vài tuần, người ta có thể cho bé về nhà để có một nếp sống càng bình thường được chừng nào càng tốt chừng nấy. Sẽ cần có những cuộc kiểm tra đều đặn để theo dõi căn bệnh.

Là cha, mẹ, vai trò quan trọng của các bạn là hỗ trợ con cái mình, giúp cho bé vượt qua được những chặng đường điều trị lâu dài và khó khăn. Trẻ bị bệnh bạch cầu nên tránh những bệnh nhiễm trùng thông thường của trẻ em như thủy đậu chẳng hạn, trừ khi đã được chích ngừa rồi, do đó bạn sẽ phải chú ý lựa chọn bạn bè để bé chơi cùng với nhau.

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!