Bại não là một bệnh nguy hiểm và để lại những di chứng nặng nề cho trẻ. Vậy nguyên nhân, cách phòng và điều trị bại não như thế nào?
Bại não là tên gọi chung để chỉ những rối loạn ở não sớm xảy ra trong cuộc đời và gây nên một tình trạng thiếu kiểm soát hoạt động cơ thể. Ở một số trẻ, tổn thương này xảy ra trong thai kỳ; ở một số khác, là trong giai đoạn chuyển dạ khó khăn, khi em bé có thể bị suy yếu vì thiếu dưỡng khí. Cũng có thể dẫn tới bại não trong trường hợp bé sinh thiếu tháng gặp phải những vấn đề khác có khả năng gây tổn thương vùng não, từ đó sinh ra bại não, như các chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu và bệnh viêm màng não.
Do các trung tâm điều khiển tự chủ phức tạp của não chưa hoạt động trong những tháng đầu đời nên bệnh bại não có thể chưa biểu hiện rõ ràng lúc mới sinh. Sau chín tháng, bệnh có thể tự lộ ra khi đứa trẻ tỏ ra chậm biết ngồi, thường ngồi không vững, hoặc không biết nắm và giữ đồ vật. Bệnh bại não có thể khiến bé bị liệt một bên người hoặc cả người. Đứa bé chậm biết đi, nhưng thường vẫn có thể đi được. Nếu chân tay trẻ có khuynh hướng khó cử động hoặc cố định trong một số tư thế nào đó thì được gọi là “co cứng”. Nếu bé hay vặn mình không có mục đích, người ta gọi là “múa vờn”.
Bại não không phải là một căn bệnh ngày càng nặng đi. Và cũng không phải hiếm những đứa trẻ bị bại não có trí thông minh bình thường, có các khả năng quan hệ xã hội bình thường.
Bạn phải làm gì?
Đối với bệnh bại não, cách chữa trị tốt nhất là cố gắng phát triển tối đa các khả năng của trẻ về mặt thể chất, tâm hồn và xã hội. Do vậy điều quan trọng là được một bác sỹ chuyên môn và một chuyên gia về vật lý trị liệu giúp đỡ để có hướng điều trị ngay từ lúc nhỏ. Các bài tập giãn cơ sẽ ngừa được các biến dạng ở chân tay. Các dụng cụ chỉnh hình như nẹp bó và – trong một vài trường hợp – phẫu thuật có thể cải thiện được khả năng cử động; hay luyện phát âm có thể bù lại sự thua thiệt về thể chất.
Trong trường hợp không mất khả năng về tâm thần, viễn cảnh của đứa trẻ hết sức khả quan. Dù mất chức năng cử động trẻ vẫn thích nghi tốt một khi khả năng trí tuệ của chúng vẫn còn và chúng có thể làm cho người ta hiểu được chúng. Thái độ của gia đình rất quan trọng. Các bậc cha mẹ không nên tỏ ra thương hại hay đối xử khác biệt với các trẻ mắc bệnh. Nếu bé có anh hay chị thì bạn không nên đối xử với bé khác với những bé kia. Với trẻ tàn tật bạn nên giao những việc mà đứa trẻ có thể làm được, không giao những việc bé không làm nổi.
Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.