Ngày nay, nhiều người đã nhận thức được tầm quan trọng của ba vấn đề: sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục. Tiềm năng tâm lý và tài trí thông minh của trẻ được khai thác đầy đủ nên chúng đã có những thành tích vượt trội.
Dưới sự hướng dẫn của trường hàm thụ giáo dục sớm, số trẻ biết sớm đã lên đến hàng nghìn em. Có trẻ bốn tuổi đã đọc rất nhiều sách, có trẻ sáu tuổi vào học lớp Năm, có trẻ chín tuổi vào trung học, 12 tuổi vào đại học. Còn số trẻ nhanh nhẹn khoẻ mạnh, nhận biết vật, biết chữ, học tiếng Anh nhanh chiếm tỉ lệ cao.
Yếu tố nào giúp trẻ thành tài? Kết quả nghiên cứu cho thấy, một là ngay từ giai đoạn sơ sinh, trẻ đã có thực tiễn cuộc sống vô cùng phong phú, nhiều trò chơi học tập đa dạng; hai là việc trẻ biết chữ sớm, đọc sách sớm.
Đó chính là hai yếu tố quan trọng – đôi cánh cho chú chim ưng nhỏ bay cao. Thực tiễn cuộc sống và trò chơi học tập là động lực quan trọng để phát triển tâm lý trẻ một cách toàn diện và đầy đủ. Sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ, sự tiếp xúc thể chất, phát triển ngôn ngữ, sinh hoạt hợp lý, âm nhạc ca múa, mỹ thuật thủ công, quan sát nhận biết sự vật, du lịch tham quan, chăn nuôi trồng trọt, học đếm, tính toán, truyện kể, lao động việc nhà, thể dục rèn luyện, trò chơi tập thể, quan hệ xã hội, khoa học thực nghiệm, chơi cờ, hoạt động sưu tầm tem, đọc bản đồ, lấy mẫu… Tất cả đem lại cho trẻ trí tưởng tượng phong phú, tri thức dồi dào và kinh nghiệm cảm tính, đó là điều vô cùng quan trọng.
Cuộc sống và trò chơi phong phú giúp trẻ biểu đạt tình cảm và ngôn ngữ linh hoạt, thông minh.
Nhưng, thực tiễn và trò chơi phong phú không phải là động lực duy nhất để phát triển tâm lý trẻ, mà chỉ là một mặt, một chiếc cánh của chú chim ưng non, nếu chỉ dựa vào đó thôi thì không bay lên được. Chỉ khi trẻ có thêm chiếc cánh tương tự như vậy – biết đọc biết viết sớm, nhân tài mới được phát triển vững chắc, chú chim ưng non mới có thể bay lên trời xanh và bay xa vạn dặm.
Theo thành quả nghiên cứu mới nhất của giáo dục sớm, trẻ học chữ có thể bắt đầu trước khi học nói, sau đó học từ ngữ từ những hoạt động hàng ngày, khiến những hình ảnh trẻ có được trong thực tiễn càng trở nên rõ ràng, kinh nghiệm cảm nhận có được càng sâu sắc. Đồng thời, trẻ cũng ghi nhớ tốt và vận dụng linh hoạt ngôn ngữ viết mà trẻ có được khi kết hợp thực tiễn và trò chơi.
Ví dụ: trẻ một tuổi rưỡi thích bò, khi trẻ bò có thể dạy trẻ nhận biết chữ “bò”, sau khi nhận biết vài lần trẻ có thể đọc được chữ “bò” và khi nhìn thấy chữ thì trẻ sẽ có hành động bò. Ngôn ngữ thị giác và ngôn ngữ thính giác đều có thể được nắm bắt sớm như nhau và kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm cuộc sống.
Đưa trẻ bốn tuổi đến ao sen chơi, ngắm cảnh, ngắt hoa, lúc trẻ vui vẻ hãy khích lệ trẻ đọc thơ của Dương Vạn Lý: “Tiếp thiên liên diệp vô cùng bích. Ánh nhật hà hoa biệt dạng hồng”. (“Liền trời sắc lá xanh xanh ngắt. Nắng chiếu màu hoa thẫm lạ lùng” – Tùng Văn dịch), (trong đó phần lớn chữ trẻ đã được học). Như vậy, ngôn ngữ thị giác và ngôn ngữ thính giác cùng được thể hiện, ấn tượng cảm tính của trẻ về ao sen lẽ nào lại không sâu sắc hơn? Trẻ cũng biết được nhiều chữ và hiểu về thơ hơn, nhớ lâu hơn? Hơn nữa do biết chữ, đọc sách, trẻ có được nhiều kinh nghiệm gián tiếp, giúp trẻ cảm nhận trực tiếp về mọi vật phong phú hơn; mà cảm nhận phong phú lại nâng cao tốc độ và chất lượng biết chữ và đọc. Ví dụ khi trẻ đọc đến đặc điểm của hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, “vươn mình đứng thẳng” thì không cần thầy cô giáo giảng giải trẻ cũng hiểu và cảm nhận được sâu sắc.
Từ đó có thể thấy rằng, người xưa đề xướng “đọc vạn quyển sách”, “đi vạn dặm đường” trong giáo dục học và nhân tài học, là con đường sản sinh ra nhân tài kiệt xuất.
Nhưng trong giáo dục trẻ truyền thống, người ta đã đối lập hoạt động thực tiễn với việc học chữ học đọc. Rất nhiều cha mẹ coi nhẹ trò chơi phong phú của trẻ trong khi chỉ mong trẻ biết chữ biết đọc. Mặt khác, nhiều người lại phản đối trẻ biết đọc biết viết. Nghe nói đến biết chữ sớm thì họ cho là “ghi nhớ cứng nhắc”, “ảnh hưởng sự phát triển trí lực”. Họ chỉ cần trẻ hoạt động, cấm trẻ học chữ học đọc, nhà trẻ nào dạy chữ thì không được gọi là “đủ tiêu chuẩn”. Còn nghe nói trẻ chưa đầy ba tuổi đã biết chữ thì họ tỏ ra coi thường.
Hai kiểu nhận thức trên đều rất phiến diện, kìm hãm sự phát triển đầy đủ của trẻ. Nếu so sánh thì nhận thức thứ hai đã hoàn toàn phủ định việc biết đọc biết chữ sớm, nên càng nguy hại hơn. Vì trẻ không thể tách rời thực tiễn và trò chơi. Từ khi sinh ra, mỗi ngày mỗi giờ trẻ đều sống trong cộng đồng, được thực tiễn giáo dục. Kinh nghiệm và cảm nhận của trẻ chỉ là sự khác biệt giữa phong phú và nghèo nàn. Thế nhưng, một khi việc biết chữ biết đọc sớm bị tước đoạt, thì sẽ bị tước đoạt hoàn toàn cho đến khi trẻ sáu, bảy tuổi, thời kỳ phát triển biết đọc biết chữ lý tưởng nhất đã bị bỏ lỡ. Thử nghĩ xem, con chim nhỏ trong vòng sáu bảy năm trời chỉ đập một bên cánh, đến khi muốn bay lên thì một bên cánh đã bị tê liệt, vậy liệu nó còn bay được nữa không? Hơn nữa, cho dù kinh nghiệm cảm tính của con người có đầy đủ thế nào, nếu thiếu sự giúp đỡ của ngôn ngữ viết thì cũng rất thiển cận. Đồng thời, nếu con người không tiếp thu tri thức gián tiếp, loại tri thức nhiều hơn cả kinh nghiệm trực tiếp, thì cũng sẽ rơi vào tình trạng nghèo nàn về tinh thần.
Nếu chúng ta dạy trẻ học chữ, học đọc muộn, trí lực của trẻ sẽ khó phát triển toàn diện. Không hiểu vì lý do gì mà những bài học tư duy dành cho trẻ hai, ba tuổi lại đưa vào giáo trình ngữ văn của bậc tiểu học? Ví dụ: “Đây là cái gì? Đây là máy bay. Kia là cái gì? Kia là chuồn chuồn”. Bây giờ có đứa trẻ nào lại chưa bao giờ nhìn thấy những vật đó hoặc những hình vẽ về chúng? Có trẻ nào lại không nắm được những mẫu câu đó? Để dạy chữ, người ta đã hạ thấp khả năng tư duy, sức lý giải của trẻ bảy tuổi xuống trình độ của trẻ lứa tuổi mẫu giáo quả là đáng buồn!
Học sinh tiểu học vô tình bị mất đi điều kiện biết chữ biết đọc sớm, vì vậy lượng kiến thức mà trẻ thu lượm được qua việc đọc rất ít. Theo thống kê, số chữ trong bài văn của học sinh lớp Sáu vẫn không bằng một nửa số chữ trong bài văn của học sinh lớp Ba ở Liên Xô cũ. Về mặt trình độ viết cũng thấp hơn, tác phẩm nổi tiếng cũng không nhiều. Tuy nhiên, học sinh tiểu học phải chịu gánh nặng học tập quá lớn, nên chúng càng có ít cơ hội đọc nhiều sách.
Bước vào bậc tiểu học, trẻ chưa biết chữ, biết đọc, chưa hình thành thói quen tự học nên nảy sinh tâm lý thụ động đối với việc học chữ và tiếp thu bài giảng. Như vậy trong cả quá trình học tập sau này của trẻ, thầy cô giáo sẽ rất khó khăn để bỏ hình thức dạy học kiểu “giáo viên giảng là chính”, ảnh hưởng đến khả năng đọc của trẻ. Lữ Thúc Tương đã kinh ngạc thốt lên: “Trong vòng 10 năm, hơn 2700 bài ngữ văn không đạt chất lượng, đó chẳng phải chuyện lạ sao!” Nguyên nhân chính là trẻ mất đi hứng thú với việc học. Một cánh bị tê liệt thì làm sao chú chim ưng có thể bay lên trời xanh được đây?
Nhà giáo dục học Liên Xô cũ Suhomlinski từng nói: “Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành giáo dục tôi tin chắc rằng, sự phát triển trí lực của học sinh bắt đầu từ việc đọc có chất lượng”. Cũng như các lĩnh vực khác, hình thành thói quen đọc, cần phải có một nền tảng tốt ngay từ đầu, nếu không sẽ mất nhiều công sức hoặc không đạt được hiệu quả.
Cha mẹ và thầy cô giáo đều mong muốn trẻ biết sớm để sau này trở thành nhân tài ưu tú. Vì vậy, hãy rèn luyện cho đôi cánh của trẻ càng sớm càng tốt!
Khi đọc sách hãy đọc chăm chú, khi vui chơi hãy thoải mái chơi,
khi nói phải nói lời chân thật, làm người phải làm người tốt.
Ba Kim
Người xưa từng nói: Để trẻ em biết về hoa lá cỏ cây, chim muông sâu bọ, đến khi chúng lớn lên đi khắp núi cao sông lớn, tìm hiểu phong tục tập quán các vùng miền trên khắp đất nước. Người xưa củng lại nói: Đọc thuộc 300 bài thơ Đường, không biết ngâm cũng biết ngâm; đọc vạn quyển sách, chấp bút như thần… Những lời nói đó đã chứng minh một cách khoa học rằng để chú chim nhỏ bay lên nhất thiết cần một đôi cánh.
Cuộc nói chuyện giữa tác giả
và Masaru Ibuka – Akio Morita đồng sáng lập
Tập đoàn Sony Nhật Bản