Ác mộng – Dấu hiệu và cách hạn chế ác mộng ở trẻ

Mơ là hiện tượng thường gặp khi ngủ. Ở trẻ nhỏ, đôi khi, trẻ mơ thấy những giấc mơ gây sợ hãi, khó chịu và ta gọi đó là ác mộng. Mơ thấy ác mộng có nguy hiểm không? Cách xử trí khi bé mơ thấy ác mộng là gì?
Mọi người khi ngủ đều nằm mơ và đa số trẻ con đôi khi hay có những giấc mơ khó chịu hoặc thấy ác mộng. Bé có thể giật mình thức dậy thét to lên vì sợ hãi hoặc khóc nức nở không sao kìm nén được. Bé cũng có thể ở trong tình trạng nửa thức nửa ngủ, mắt mờ, mặc dù bé có thể không nhận ra bạn là ai hay không hiểu bạn đang nói gì với bé.

Trẻ gặp Ác mộng
Trẻ gặp Ác mộng

Các cơn ác mộng có thể xảy tới vì một số lý do. Nếu bé lên cơn sốt cao hoặc bé khó ở vì đang bệnh, ban đêm, bé có thể tỉnh dậy người nóng ran và sợ hãi. Trong trường hợp bé đã bị mệt lử lúc đi ngủ, bé có thể khó dỗ giấc, khóc i ỉ một, hai giờ rồi mới thiếp đi được. Có thể bé đã xem một chương trình truyền hình khủng khiếp ngay trước khi đi ngủ; bé có thể sợ bóng tối hoặc không thích ngủ một mình trong phòng. Ở các trẻ bình thường, nếu những cơn ác mộng xảy tới với một nhịp độ thường xuyên nào đó, nguyên do sâu xa thường là do các bé lo âu về đời sống ở trường hay trong nhà, ví dụ như sự ra đời của một đứa em.

Bệnh có nghiêm trọng không?

Thấy ác mộng không có gì là nghiêm trọng và không cần phải đi khám bác sĩ trừ phi hiện tượng này xảy ra rất thường xuyên.

Việc gì phải làm trước tiên?

Bạn nên đến với bé ngay mỗi khi bé giật mình tình dậy vì gặp ác mộng, đừng để bé quá hoảng sợ. Bạn hãy bật đèn lên, ôm bé sát vào lòng và dịu dàng an ủi, dỗ dành bé. Bạn chớ có lớn tiếng và la mắng bé, cư xử như vậy chỉ làm cho bé thêm rối loạn. Đừng hỏi bé tại sao bé lại sợ hãi hay hỏi bé đã mơ thấy gì. Hãy ở lại với bé cho đến khi bé ngủ thiếp đi trở lại.

Có cần đi khám bác sĩ không?

Hãy đi khám bác sĩ để nhận lời khuyên nếu bé thường xuyên thấy ác mộng (đêm nào cũng thấy chẳng hạn) và nếu bé đâm ra mất ngủ vì ác mộng.

Bác sĩ có thể làm gì?

Chắc hẳn bác sĩ sẽ chẳng làm gì khác hơn là trấn an bạn rằng rồi lớn lên bé sẽ khỏi cái tật đó.
Nếu bé bị mất ngủ, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc an thần nhẹ để giúp bé ngủ được.

Giúp bé bằng cách nào?

Nếu bé đủ lớn để có thể giải thích được, bạn hãy hỏi xem theo bé thì vì sao bé lại hay thấy những cơn ác mộng như vậy, tuy nhiên bạn nên đợi đến hôm sau hãy hỏi chứ đừng hỏi ngay lúc bé vừa tỉnh lại sau cơn ác mộng.
Bạn hãy cố gắng làm giảm bớt nỗi lo âu của con mình bằng cách trấn an bé. Nếu bạn có thể đoán được nguyên do tình trạng căng thẳng của bé, thì bạn hãy dùng tình cảm thương yêu hết mực của mình làm vơi đi nỗi lo sợ của bé, làm cho bé an tâm và hiểu rằng mặc dù có em bé mới nhưng bạn vẫn luôn quan tâm thương yêu và không xa cách hay bỏ mặc bé.

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!