“Ảnh hưởng” từ môi trường

Sống trong thế giới sự vật đa dạng, trẻ chỉ cần mở mắt ra là có thể nhìn thấy người và vật với muôn hình vạn trạng, hình thức, màu sắc và cảm giác khác nhau. Trẻ thường nghe người lớn chỉ vào người và vật, gọi tên và sử dụng chúng như “đóng cửa”, “bật đèn”, “mặc quần áo”… Thường xuyên được tiếp xúc, nhìn, nghe như vậy, dần dần trẻ sẽ hình thành nhận biết về con người, sự vật.

Phương pháp ảnh hưởng từ môi trường

Chúng ta nên tạo cho trẻ một môi trường sống mà trong đó trẻ thường xuyên có cơ hội nhìn thấy chữ viết; xem chữ, đọc chữ với người lớn. Đây chính là “phương pháp ảnh hưởng từ môi trường”. Mục đích của phương pháp này là: Thứ nhất, tạo sự chú ý cho trẻ đối với chữ viết. Thứ hai, hình thành thói quen xem chữ và nghe người lớn đọc chữ cho trẻ. Thứ ba, giúp trẻ hứng thú với việc giở sách, xem chữ, xem tranh, xem người lớn đọc sách. Thứ tư tập cho trẻ xem chữ, phát âm theo người lớn. Cuối cùng, tạo lập cho trẻ thói quen dù ở đâu thấy chữ là thích học thích hỏi.

Như vậy, trẻ sẽ dễ dàng có được “sự nhạy cảm” với các con chữ; thích xem chữ, nhận biết chữ giống như nhận biết người và vật.

Phương pháp này được thực hiện như sau: (có thể sử dụng bộ “Thẻ chữ Phương án 0 tuổi” để tiến hành).

Đối với trẻ dưới một tuổi và trên một tuổi, có thể đọc chữ cho trẻ nghe, cho trẻ xem ngay cả những chữ mà trẻ hoàn toàn không hiểu, tận dụng đặc điểm “ không lựa chọn”“ghi nhớ ấn tượng” của trẻ, bồi dưỡng sự nhạy cảm với chữ của trẻ.

Treo (đặt, dán) những bảng chữ tên gọi tương ứng lên những đồ vật thường thấy, thường nhắc đến, thường dùng. Người lớn nên thường xuyên vừa bế, vừa vui vẻ chỉ chữ cho bé xem, đọc cho bé nghe (mỗi chữ một, hai giây).

Người lớn vừa đọc chữ vừa khuyến khích bé chỉ vào chữ. Trẻ trên một tuổi thường chỉ lộn xộn giữa đồ vật và chữ. Điều này không đáng lo ngại. Đó là quá trình tất yếu khi mới học chữ, dần dần, trẻ sẽ phân biệt được chữ và vật, chữ và vị trí.

Ngoài gia đình và nhà trẻ, chữ còn xuất hiện ở rất nhiều nơi như biển quảng cáo, biểu ngữ, biển số nhà, biển tên đường, bao bì sản phẩm, tên báo…, bạn nên thường xuyên hướng dẫn trẻ nhận biết những con chữ đó, đồng thời khích lệ thói quen hỏi chữ ở trẻ. Phương pháp “tiêm nhiễm” này cũng có thể sử dụng trong nhà trẻ. Giáo viên có thể treo các thẻ chữ khắp mọi nơi, như cây cỏ hoa lá, đồ chơi, giá khăn mặt, bảng đen, nhà vệ sinh, phòng ngủ, tranh ảnh…, thường xuyên đọc cho trẻ nghe, ngay cả danh sách trẻ trên bảng khen thưởng cũng là nơi học chữ lý tưởng. Cũng có thể thiết kế một hành lang học chữ để khi cha mẹ đưa đón con có thể dành ra vài phút để học chữ cùng con, hỏi và hướng dẫn cho con. Có trẻ hàng ngày đều tự kéo bố mẹ đến hành lang học chữ để kiểm tra mình và chỉ sau một, hai năm đã có thể “xóa mù”. Phương pháp “mắt thấy tai nghe” ngấm dần từng bước này là vô cùng quan trọng, vì vậy bạn nên tận dụng nó để dạy trẻ học chữ học đọc.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!