Ngôn ngữ là công cụ, là hiện tượng và lớp vỏ bên ngoài của tư duy. Có thể nói rằng, nếu thiếu ngôn ngữ loài người sẽ không thể tư duy và tưởng tượng.
Một đứa trẻ ba tuổi khi nhìn thấy máy bay vút qua bầu trời liền hỏi mẹ: “Mẹ ơi, máy bay bay trên bầu trời phát ra những âm thanh ù ù, sau này con muốn lái máy bay mẹ ạ!” Trong đầu trẻ đã nảy sinh tư duy hình tượng về máy bay, đồng thời còn tưởng tượng một ngày nào đó mình sẽ lái máy bay, để nói ra được điều đó, trẻ phải dựa vào các cụm từ và câu.
Nếu trẻ không thể hiểu được những từ ngữ như “bầu trời”, “máy bay” và câu, lẽ tất nhiên, nó không thể vận dụng được cách hình thức ngôn ngữ này. Vậy thì, nhiều nhất nó cũng chỉ có thể nhìn thấy một hình ảnh mờ nhạt, chỉ nghe thấy những âm thanh mông lung mà không thể tư duy và tưởng tượng, càng không có cách nào để biểu đạt. Như thế, đứa trẻ cũng chỉ giống như một chú chó hay một chú mèo nghiêng đầu nhìn máy bay lướt qua bầu trời mà thôi. Không có tư duy, con người sẽ không thể là con người được nữa!
Chính vì thế, bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ cho trẻ có vai trò vô cùng quan trọng. Trẻ sớm biết nghe biết nói là biểu hiện của những thiên tài, do đó, người lớn chúng ta tuyệt đối không thể lãng phí tài năng trời phú này của con người.
Nhưng bạn cũng đừng nghĩ rằng, biết nói là khả năng bẩm dinh của trẻ, chỉ cần không phải là người câm thì khoảng một tuổi, trẻ tự nhiên sẽ biết nói, rồi sau đó chúng nói véo von suốt ngày như một chú vẹt nhỏ. Suy nghĩ này thật vô cùng sai lầm! Khả năng ngôn ngữ của trẻ không những chỉ có sự phân biệt giữa biết nói sớm hay muộn, nói tốt hay nói không tốt, mà còn có sự phân biệt giữa biết nói chuyện và không biết nói chuyện. Không chỉ có hai cô bé người sói Kamala và Amala vì xa rời cuộc sống loài người nên không biết nói chuyện mà còn có những đứa trẻ do những hạn chế về điều kiện sống, vì thế nên quá trình phát triển ngôn ngữ của chúng gặp phải những rào cản lớn.