Giúp trẻ biết cảm nhận cuộc sống
Đối với bất kỳ sự vật nào, con người cũng có những cảm nhận riêng biệt. Dù là cảm nhận trước, nhận thức sau hay nhận thức trước (nhận thức mơ hồ), cảm nhận sau hoặc nhận thức và cảm nhận xảy ra đồng thời, thì cảm nhận cuộc sống là không thể thiếu được. Thậm chí, những nơi con người không trực tiếp cảm nhận được (như người bình thường không cảm nhận được tình hình trên mặt trăng), thì thông qua những cảm nhận cuộc sống khác, con người cũng có thể liên tưởng để có được nhận thức sâu sắc. Ví dụ nhìn thấy lái xe ô tô thì có thể liên tưởng đến khi lái máy bay.
Cảm nhận cuộc sống chính là cơ sở để trẻ học chữ hiệu quả. Do vậy, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh trong quá trình giáo dục sớm cho trẻ là phải chú trọng làm phong phú cuộc sống tinh thần của trẻ. Phương án 0 tuổi nêu ra 109 hoạt động tham khảo để làm phong phú cuộc sống cho trẻ. Điều này không những quan trọng với việc phát triển toàn diện, giúp trở thành nhân tài mà còn vô cùng quan trọng đối với việc học chữ học đọc sớm.
Trong việc dạy chữ cho trẻ, bạn tuyệt đối không được coi nhẹ phương pháp cảm nhận cuộc sống. Khi dạy bất kỳ chữ nào, từ nào, câu nào, đoạn văn nào, bạn cũng phải để trẻ có cảm nhận trực quan đầy đủ về những vật và tình huống mà chữ đó, từ đó, câu đó, đoạn văn đó thể hiện. Những thứthấy được nên để trẻ xem, những thứ có thể chỉ được nên để trẻ chỉ, những thứ có thể tìm được nên để trẻ tìm, những thứ có thể chạm vào được nên để trẻ chạm tay vào, những thứ có thể ăn được nên để trẻ ăn, những thứ có thể chơi được nên để trẻ chơi, những tình huống có thể biểu diễn được nên để trẻ biểu diễn… Như vậy, cảm nhận của trẻ sẽ phong phú hơn, nếu trong khi chơi trẻ được tiếp xúc nhiều lần với cách đọc chữ, từ, câu, hình dạng và nghĩa của từ, khi nhìn thấy chữ trẻ sẽ liên tưởng đến những cảm nhận trong cuộc sống, nên những con chữ khô khan kia cũng trở nên sinh động. Đó chính là thế giới tưởng tượng sống động ẩn chứa trong những chữ viết trên trang giấy. Khả năng tưởng tượng này cũng nên được phát triển trong việc dạy chữ cho trẻ.
Cảm nhận là phương pháp cơ bản trong việc dạy chữ, nên hãy áp dụng phương pháp này vào từng độ tuổi và từng giai đoạn trong quá trình giáo dục trẻ.
Ví dụ khi dạy từ “con kiến”, bạn nên cho trẻ cầm thẻ chữ “con kiến” đi tìm những con kiến, xem chúng đào hang, “nói chuyện”, vận chuyển thức ăn… như thế nào. Trong khi trẻ quan sát con kiến thật, bạn cho trẻ xem đi xem lại nhiều lần chữ “con kiến”, như vậy trẻ sẽ nhớ chữ rất nhanh. Khi dạy đến từ “tổ kiến”, bạn sẽ không phải tốn nhiều công sức nữa.
Hoặc dạy từ “thảm” thì cho trẻ chạm tay vào tấm thảm, dạy từ “thơm ngát” thì cho trẻ ngửi hoa, cả nhà vui vẻ ngồi ăn hạt dẻ thì dạy từ “hạt dẻ”, khi có sấm chớp thì dạy trẻ từ “chớp”, “sấm”… Đó đều là cách học chữ bằng cảm nhận cuộc sống rất hiệu quả.