Tại sao ốc sên lại cõng nhà trên lưng?
Truyện kể rằng, lúc nói đầu ốc sên cũng đi nhanh như bọ ngựa. Nhưng bây giờ, bạn xem nó nói chậm chạp làm sao, đi mãi cũng không đi xa được một tấc và lúc nào cũng cõng một cái nhà vừa nặng vừa vướng víu. Tại sao lại như vậy? Câu chuyện là thế này.
Một hôm, trời mưa to. Giọt mưa to bằng hạt đậu, làm rách cả tàu lá chuối, bướm, ong mật, ruồi muỗi, sâu róm không kịp trú mưa nên bị ướt hết, có con bị thương, có con còn bị chết.
Ốc sên bò vội vào nhà, nó rụt đầu lại, trốn trong nhà ngủ. Nước mưa làm một chú chuồn chuồn rơi xuống bên cạnh nhà của ốc sên. Chuồn chuồn van xin: “Anh bạn ốc sên ơi, cho tôi vào trú mưa với, mưa to làm tôi sắp chết rồi”.
Ốc sên chậm chạp thò hai cái râu ra, không hài lòng, nó nói: “Nhà của tôi thì tôi ở. Đừng có quấy rầy giấc ngủ của tôi, đi đi!”.
Chuồn chuồn đành phải đi chỗ khác. Vừa mới vươn cánh lên thì một trận mưa rất to ập đến hất nó xuống nước.
Một con kiến trôi trong nước, ngang qua nhà của ốc sên. Kiến với lấy nhà của ốc sên, thở hổn hển van xin ốc sên: “Anh ốc sên ơi, cho tôi vào trú mưa với, nước mưa sắp cuốn tôi đi mất rồi”.
Ốc sên chậm chạp thò hai cái râu ra, thô lỗ nói: “Nhà của tôi không ai được phép vào. Tôi phải đi ngủ đây, anh mau đi!”.
Kiến to đành phải bỏ đi, vừa mới bỏ tay ra thì nước mưa ào ào cuốn nó vào trong ao.
Ruồi muỗi, sâu róm đều đến xin ốc sên cho trú mưa nhờ, nhưng ốc sên đều mắng nhiếc làm chúng bỏ đi.
Mưa tạnh, mặt trời lên sáng bừng, ốc sên vươn vai, nó thấy đói bụng bèn đi ra khỏi nhà tìm thức ăn cho vào bụng. Nó vừa đi được hai bước thì quay đầu lại nhìn “cái nhà”: Ôi! Ngôi nhà đẹp quá! Trên nóc nhà còn chạm trổ hoa văn, ánh mặt trời chiếu vào vàng rực. Ốc sên càng nhìn càng đắc ý, nó nghĩ, mình có một ngôi nhà tốt như thế này, nên bọn chúng ghen tị, muốn đến chiếm. Nếu bây giờ mình rời khỏi nhà đi tìm thức ăn, liệu bọn chúng có vào chiếm nhà mình không? “Không được!” Ôc sên nói, “có lẽ mình mang nhà trên người sẽ an toàn hơn”.
Từ đó, ốc sên ích kỷ đi đến đâu, dù trời nắng hay mưa, nó đều cõng nhà trên lưng. Cái nhà đè nặng trên lưng làm nó thở hổn hển, đi mãi cũng không quá nửa tấc.
Nùng Dịch Thiên
Hải Âu bay
Hải Âu mẹ đi tìm thức ăn, Hải Âu con lại trông nhà. Nó nhìn thấy mẹ bay sát mặt biển, rất vui. Mỗi lần bay về nhà, mẹ đều cắp về cá tôm còn đang nhảy tanh tách. Vừa cho Hải Âu con ăn, mẹ hải âu vừa nói: “Lúc nào mẹ bay sát mặt biển, tức là trời sẽ đẹp. Cá, tôm cũng sẽ lên mặt biển chơi. Mẹ chỉ cần kêu một tiếng là đã bắt được chúng!”.
Ngày thứ hai, Hải Âu con nhìn thấy mẹ bay dọc bờ biển, lượn mấy vòng, rồi lại bay về nhà, chỉ mang về một ít sò biển. Hải Âu con hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ không bắt tôm biển về?” Hải Âu mẹ nói: “Lúc nào mẹ bay dọc bờ biển, có nghĩa là thời tiết xấu. Sóng biển rất to, làm cho lũ cá, tôm không dám lên chơi. Mẹ đành phải ra bờ biển tìm thức ăn cho con”.
Ngày thứ ba, Hải Âu con thấy mẹ không bay trên mặt biển, cũng không bay dọc theo bờ biển, mà lượn vòng trên không trung. Khi trở về, mẹ chẳng mang theo gì. Mẹ nói với Hải Âu con: “Khi nào mẹ bay lên trời cao, tức là sắp có mưa to. Con nhìn kìa, mây đen kịt, sóng rất cao, cá, tôm, ốc đều trốn dưới biển sâu rồi, mẹ đành phải về tay không!”.
Nghe mẹ nói xong, Hải Âu con đã hiểu: À, mẹ của chúng mình còn là nhân viên dự báo thời tiết nữa đấy!
Hồ Vĩnh Hoè
Cái đuôi nhỏ
Nam Nam đã năm tuổi rồi mà vẫn còn như em bé, lúc nào cũng quấn lấy người lớn. Bố mẹ bé đi làm xa, cả ngày bé quấn lấy bà nội.
Bà nội đi chợ, nói với bé: “Cháu ngoan đi chơi với các bạn một lát nhé”. Bé trề môi: “Không đâu”.
Bà nội đọc báo, bà nói với bé: “Cháu ngoan chơi với các bạn một lát nhé”. Bé vẫn trề môi: “Không đâu”.
Bà nội đi đâu, bé cũng cứ túm lấy vạt áo bà không rời tay ra. Ngày xưa, bà nội bó chân nên bây giờ đi cứ xiêu xiêu vẹo vẹo, Nam Nam túm lấy áo bà đi đằng sau người cứ lắc la lắc lư, trông thật buồn cười. Bọn trẻ con cứ nhìn thấy hai bà cháu là lại vỗ tay hát: “Bà cụ già, không làm sao được, đằng sau có cái đuôi nhỏ”.
Bà nội đúng là chẳng biết làm thế nào với “cái đuôi nhỏ”. Chỉ trên vạt áo của bà bị Nam Nam làm tuột hết ra rồi. Buổi tối, bà đeo kính lão vừa vá áo vừa nói: “Cái đuôi nhỏ ơi cái đuôi nhỏ, cháu mà không sửa được, thì sẽ biến thành cái đuôi thật đấy”. Nam Nam bịt tai lại giả vờ không nghe. Bé nhắm mắt lại suy nghĩ: Nếu mình biến thành cái đuôi thật thì càng hay!
Nghĩ mãi nghĩ mãi, bé chợt cảm thấy có ai đang đẩy mình. Là ai vậy nhỉ? Nam Nam mở mắt ra, hóa ra là một con chuột, nó đang dùng một sợi dây thừng trói bé lại.
“Cút đi, cút đi! Không được trói ta”. Nam Nam hét lên.
Một con chuột to cười nói: “Chít chít, quốc vương của chúng ta bị mèo cắn đứt mất đuôi rồi. Chít chít, ngươi chẳng phải là cái đuôi của bà ngươi hay sao. Quốc vương sai chúng ta trói ngươi lại đem về để thay thế cho cái đuôi của ông ấy”. Nói xong, nó bảo lũ chuột trói Nam Nam lại.
Nam Nam sự toát hết mồ hôi, vừa khóc vừa nói: “Ta là người, không phải là cái đuôi, các ngươi hãy thả ta ra”.
“Ha ha ha!” Lũ chuột cười phá lên. “Chít chít, một đứa trẻ suốt ngày quấn lấy người khác như ngươi đã biến thành cái đuôi từ lâu rồi, vậy mà còn không chịu thừa nhận”.
Nam Nam thấy lạ, bèn giật mình nhìn lại mình. Tay đâu mất rồi, chân đâu mất rồi, bụng đâu mất rồi, cả người bé trơn tuột và đã biến thành một cái đuôi dài rồi. Bé đang định nói: “Trên người ta không có lông, không phải là cái đuôi chuột” thì hai con chuột nhảy lên giường, một con trồng lông lên người bé, một con khác tưói nước. Bé đã biến thành cái đuôi chuột thật rồi, mình đầy lông lá.
Nam Nam sợ quá, khóc ầm lên và gào: “Mèo ơi mau đến đây, bà ơi mau đến đây”.
“Meo, meo”. Mèo chạy tới, lũ chuột bỏ chạy.
“Bé ngoan đừng khóc, bé ngoan đừng sợ”. Bà nội nựng bé.
“Oa oa…”. Nam Nam ôm chặt lấy bà: “Cháu không muốn làm cái đuôi, cháu không muốn làm cái đuôi, bà ơi cháu không muốn làm cái đuôi đâu!”.
Bây giờ thì Nam Nam đã sửa được tật xấu của mình rồi. Bà nội có việc phải đi thì bé nói: “Bà đi đi, để cháu trông nhà cho”.
Đàm Tiểu Kiều