Khi Thụy Đông được ba tuổi, chúng tôi bắt đầu dạy cháu nhận biết mặt chữ. Quá trình này được tiến hành như sau: Sau bữa cơm tối, chúng tôi thường xuyên đưa cháu đi dạo và dạy cháu đọc những tấm biểu ngữ cùng biểu hiện của các cửa hàng ở hai bên đường. Cháu có thể đọc thuộc toàn bộ địa danh được nhắc tới trong chương trường “Dự báo thời tiết” phát trên tivi mỗi buổi tối, lúc đó tôi nói với cháu: Chỉ thuộc lòng thôi chưa đủ, cháu còn phải nhận biết được những chữ đó, ví dụ chữ phúc trong câu “Mang lại hạnh phúc cho thế hệ mai sau…” Áp dụng theo cách này, cháu nhận biết được chữ phúc trên một tấm biểu ngữ, thông qua địa danh Phúc Châu.
Mỗi tối khi đi ngủ, hai bà cháu tôi nằm trên giường chơi và nói chuyện. Khi cháu được bốn tuổi, tôi tận dụng khoảng thời gian này để dạy cháu làm tính. Do đó, khả năng làm tính của Thụy Đông được bắt đầu từ việc tính nhẩm.
Chúng tôi còn thường xuyên đưa cháu đi leo núi, ra ngoại ô chơi, dạy cháu nhận biết các hình khối, các gốc cây, quan sát sao trên trời cùng các hiện tượng tự nhiên. Thụy Đông rất thích thú.
Trong cuộc sống hàng ngày, nêu câu hỏi, thảo luận, nhận mặt chữ, tính nhẩm không nhất thiết phải dành một khoảng thời gian cố định hay những cuốn giáo trình, mà nên căn cứ vào cuộc sống thực tế để tiến hành. Trẻ học trong lúc chơi, nhưng việc dạy dỗ của chúng ta lại phải có kế hoạch. Làm như vậy trẻ sẽ không cảm thấy có áp lực, thậm chí còn rất hào hứng, do đó trẻ dễ tiếp nhận nhất và cũng ghi nhớ lâu nhất. Thực tiễn đã chứng minh phương pháp giáo dục không hệ thống, không theo quy phạm này đến một lúc nào đó không thể diễn ra trong một khoảng thời gian quá dài. “Mưa dầm thấm lâu” tất sẽ có sự đột phá, trẻ sẽ tự mình xem sách, có thể đoán được một số chữ không biết và chủ động học chữ bằng các cách khác nhau, thậm chí còn tự mình đưa ra đề toán và tìm ra đáp án.
Một ví dụ nữa có thể chứng minh rõ hơn hiệu quả của phương pháp giáo dục này. Khi Thụy Đông được hai tuổi, cháu đã bắt đầu biết xem đồng hồ và nói thời gian cho chúng tôi biết. Khi tôi làm việc trong phòng đọc, thường cố ý hỏi cháu: “Mấy giờ rồi cháu? Bà nội chuẩn bị đi nấu cơm đây”. Lúc đó, cháu chỉ có thể nói cho tôi biết kim dài và kim ngắn chỉ vào số mấy. Nhưng sau khi cháu biết làm phép tính cộng, tôi đã dạy cháu cách đọc giờ đọc phút. Rất nhanh sau đó, cháu đã có thể đọc giờ một cách thành thục. Như vậy, cháu vừa có thể nói chuẩn xác thời gian vừa học được phép tính cộng của con số 5.
Trẻ con rất thích nghe kể chuyện. Thụy Đông cũng vậy, chúng tôi thường kể chuyện trong lúc cháu đang chơi đùa nhằm giáo dục đạo đức cho cháu. Chúng tôi kể cho cháu nghe chuyện Washington chặt cây anh đào nhưng đã thẳng thắn nhận lỗi với bố mẹ, mục đích là muốn dạy cháu phải thành thật; kể cho cháu nghe chuyện Khâu Phi Tinh trung thành báo quốc, với mục đích muốn cháu mãi mãi yêu Tổ quốc mình; kể cho cháu nghe về bốn phát minh vĩ đại của Trung Quốc cùng truyền thống văn hóa lâu đời với 5.000 năm lịch sử để cháu tự hào về tổ tiên; rồi chuyện Võ Tòng giết hổ, chuyện về cậu bé Pinocchio… Cháu nghe rất chăm chú và luôn yêu cầu bà kể lại.
Ngoài ra, khi chơi, chúng tôi còn dạy cháu đọc thuộc các bài thơ Đường, từ bài thơ “Thiên nga vút tầng không, Chao mình vui hót ca, Cánh trắng trên nước biếc, Chân hồng đạp sóng xanh” của Vương Bột, đến bài thơ “Hạc vàng ai cưỡi đi đâi, Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ…” của Thôi Hiệu, cháu đã có thể học thuộc mấy chục bài thơ Đường. Hai bà cháu tôi, người đọc câu trước, người đọc câu sau, một người xướng một người họa theo, rất vui vẻ, vô hình trung cháu đã tiếp nhận được một số nét tinh hoa của nền văn hóa nước nhà, là hành trang vô tận trong cuộc đời của cháu.
Bất kể ai nếu hứng thú đối với điều gì đó sẽ có thể phát huy được tính tích cực và tính chủ động khi học hỏi về nó. Trẻ con cũng vậy. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chúng ta càng không thể ép trẻ học. Việc dạy Thụy Đông giúp tôi thêm thấu hiểu điều này.