Phương án 0 tuổi
Tháng Tám năm 1992, tôi vô tình đọc được một mẩu quảng cáo trên báo với tiêu đề rất bắt mắt “Phương án 0 tuổi”. Sau khi xem xong, vì hiếu kỳ, tôi đã liên lạc với trường Đại học Vũ Hán để tham gia khóa học hàm thụ. Khi nhận được bộ tài liệu của trường, tôi như bắt được vàng, đọc liền một mạch. “Ôi, đã quá muộn, đã lỡ mất một thế hệ!’ Buổi tối khi đi ngủ, cứ nhắm mắt tôi lại nhìn thấy hình ảnh tươi cười đáng yêu của ba đứa cháu nội và một đứa cháu ngoại. Tôi chợt nghĩ: “Mình phải có trách nhiệm với sự phát triển trí tuệ của những đứa cháu này.” “Phương án 0 tuổi” nghe có vẻ thần kỳ ấy liệu có thật không? Phải thử xem thế nào.
Một hôm, trong lúc bế cô cháu gái chưa đầy tuổi rưỡi Đồng Kỳ Dao, tôi vô tình ra dấu hình quả táo cho cháu, vừa nhìn thấy, cháu đã háo hức mặt tươi như hoa, vừa giơ tay ra vừa hét: “Cả táu” (quả táo). Lúc đó, tôi cầm tờ giấy trắng viết hai chữ “quả táo” và nói: “Đây là quả táo, cháu nói đi, rồi ông nội mới cho cháu ăn”. Con bé nhìn chữ và liên mồm nói: “Cả táu, cả táu”. Tôi thơm cháu và nói: “Cháu nội của ông ngoan quá, đã nhận biết được hai chữ “quả táo” rồi. Được rồi, để ông nội cho cháu ăn. Cháu nói lại đây là gì nào?” Con bé vừa chỉ chữ ghi trên giấy vừa nói và nhận lấy quả táo. Buổi chiều đi làm về, tôi lại đem hai chữ “quả táo” cho cháu xem, con bé mồm nói tay chỉ: “Cả táu”. Tôi vui mừng khôn xiết thơm vào khuôn mặt nhỏ nhắn đáng yêu của cháu và khen ngợi: “Bé Kỳ Dao thật là giỏi, đã biết chữ rồi, đã biết đây là hai chữ quả táo!” Kể từ đó, hàng ngày trong các trò chơi, tôi lại dạy cho cháu một, hai chữ. Chứ khi rảnh là ông cháu tôi chơi trò đoán chữ, mục đích là để củng cố ấn tượng cho cháu dễ nhớ. Những chữ biết rồi cất vào trong hộp; những chữ chưa biết, ngày hôm sau học tiếp. Hết một tuần, bé Kỳ Dao đã nhận biết được 11 mặt chữ. Tôi lấy ra 10 miếng giấy trên đó có các chữ “quả táo, lê, tay, ăn, bà nội, ông nội, bố, mẹ, cơm, trứng”, trước tiên để ba miếng giấy dưới sàn nhà, bế cháu lên và nói: “Ông nội và con chơi trò chuyển nhà cho chữ nhé, con đi lấy quả táo cho ông nội.” Cháu giống như một con vịt nhỏ, bảo lấy chữ nào, cháu lấy chữ đó. Cháu lấy đi một miếng giấy, tôi lại thêm cào đó một miếng. Cả nhà đều vui cười không ngớt trước sự giỏi giang của bé Kỳ Dao.
Nghiên cứu phương án 0 tuổi
Ban ngày, tôi làm thầy giáo, buổi tối ở nhà làm học sinh hàm thụ, chăm chỉ nghiên cứu “Phương án 0 tuổi”. Những ý tưởng mới mẻ độc đáo, những lý giải sâu sắc nhưng dễ hiểu giống như một viên nam châm thu hút tôi. Tôi nghĩ đến đứa cháu nội lớn đã hơn bốn tuổi Đồng Na, cháu nội Đồng Long, cháu ngoại Vương Nghiêu cũng đều hơn ba tuổi, theo như Ivan Petrovich Paxlov nói: “Ba ngày sau khi trẻ ra đời mới bắt đầu dạy coi như đã muộn mất hai ngày”. Do vậy, nếu như tôi không tập trung chúng lại để “giáo dục”, e rằng sẽ bỏ lỡ mất cơ hội tốt nhất! Nhưng nhà tôi là một gia đình tứ đại đồng đường chuẩn mực, trên có ông cụ hơn 80 tuổi, không còn nhanh nhẹn, tôi và vợ, con trai, con dâu lại đều đang đi làm, vì không còn cách nào khác đành để Kỳ Dao cho cụ trông. Hơn nữa, Đồng Na lại ở cách đây 150-200 km, Đồng Long chí ít cũng hơn 50 km, con nhớ bố nhớ mẹ, bố mẹ cũng nhớ con, làm như vậy có được không? Nhưng lại nghĩ, “cơ hội không thể bỏ lỡ, thời gian không bao giờ trở lại”, điều này có liên quan đến cả tương lai của các cháu. Do đó, tôi hi vọng vào dịp hè có thời gian, sẽ thử xem sao. Để thống nhất với cả nhà, tôi đưa ra “kế hoạch” của mình, đồng thời phát tài liệu về “Phương án 0 tuổi” cho mỗi thành viên trong gia đình nghiên cứu. Cứ như vậy, với thái độ đầy nhiệt huyết, tôi đã đón cháu ngoại, cháu nội về nhà mở “lớp học gia đình”. Thực tế một lần nữa chứng minh, giáo dục sớm cho trẻ là việc hoàn toàn có thể, thậm chí còn hiệu quả hơn so với những gì tôi nghĩ.