Trẻ thích nhất là được tham gia các hoạt động và chơi các trò chơi. Thông qua các hoạt động để khai sáng và phát triển trí tuệ, tăng vốn kiến thức, tăng cường sức khỏe, rèn luyện năng lực, hình thành nên những phẩm chất tốt, vì thế hoạt động chính là “lớp học” quan trọng nhất trong giáo dục sớm.
Các trường mầm non thực thi “Phương án 0 tuổi” luôn phải có các trò chơi thể thao, trò chơi trí tuệ, trò chơi diễn kịch (diễn kịch hay mô phỏng lại các hoạt động nghề nghiệp của người lớn), ngoài ra cũng phải có các hoạt động truyền thống. Hoạt động truyền thống là những hoạt động chung của cả trường hay của một tập thể lớp, kiên trì thực hiện trong thời gian dài và theo giờ quy định… Những hoạt động như vậy sau khi đã trở thành truyền thống, không chỉ có các cô giáo ghi nhớ mà cả các em nhỏ cũng đã ghi nhớ, thậm chí là các vị phụ huynh cũng ghi nhớ rất rõ.
Vì thế, trong những ngày thường, trẻ có thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho những hoạt động này, tới ngày thực hiện sẽ tự tin và tích cực tham gia, như vậy có thể phát triển tối đa tính tích cực và tinh thần tiến thủ của mỗi đứa trẻ. Khi tổ chức các hoạt động này không được qua loa, tùy ý vì điều này đồng nghĩa với việc chỉ chạy theo hình thức, do đó, nó sẽ làm tổn hại tới tính tích cực của trẻ. Còn những cuộc thi thể thao được tổ chức vội vã mà không có sự chuẩn bị trước, đột nhiên phải tăng lượng vận động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ.
Ngoài ra, các trường mầm non cũng nên có các hoạt động tự do, chẳng hạn như để trẻ tự do lựa chọn nội dung học tập của mình ở góc thư viện (phòng đọc sách), góc hội họa (phòng mỹ thuật), góc chơi cờ, góc chế tác, phòng múa, hố đất nặn, hố cát… Khi ấy, các cô giáo chỉ đi theo hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và ghi chép lại sự phát triển của trẻ. Điều này không chỉ giúp trẻ khắc phục được tình trạng bị động dựa vào các cô giáo một cách tiêu cực, bồi dưỡng tinh thần chủ động, phát triển đam mê, sở trường của bản thân mà còn giải phóng các cô giáo khỏi tình trạng phải “quản trẻ”, chuyển từ người “đốc thúc học tập” sang một huấn luyện viên và người phụ đạo. Đây quả thực là giáo dục ở tầng cao nhất, thực là một sự cải cách to lớn của giáo dục mầm non.
Tất nhiên, rất khó có thể để trẻ hoạt động tự do mà không hoạt động tùy tiện bởi: trẻ chỉ chọn một hóc hay một phòng nào đó để hoạt động, bướng bỉnh quấy phá, gây ồn ào hoặc cãi nhau, làm hư hỏng hay sử dụng lãng phí các đồ dùng học tập, chỉ thích chơi nặn đất hay nghịch cát mà không chịu tham gia vào các hoạt động trí tuệ khác…
Những xu hướng không tốt này đều có khả năng phát sinh nhưng chính vì bản thân trẻ trong khi tham gia các hoạt động tự do dễ bộc lộ nhược điểm của mình nhất nên việc tổ chức của các cô giáo lúc này mới có tác dụng hỗ trợ và tăng cường giáo dục tố chất, khiến trẻ xây dựng cho mình mục tiêu hành vi, bồi dưỡng nên những mầm non nhân tài có lý tưởng, có chủ kiến, có khả năng tự khống chế bản thân, có tinh thần khiêm tốn, có ý thức cạnh tranh, tích cực chủ động trong học tập và vui chơi. Những cô giáo quản thúc trẻ không phải là những cô giáo giỏi mà chính những cô giáo từ từ hướng dẫn trẻ chủ động tham gia vào các hoạt động mới có thể đạt đến tầm cao nhất của giáo dục trẻ nhỏ.