Các bậc phụ huynh và thầy cô giáo hoàn toàn không biết ngoại ngữ có thể hướng dẫn trẻ học ngoại ngữ hay không? Câu trả lời là có. Tuy dạy trẻ học ngoại ngữ là một việc tương đối khó khăn đối với họ, song nếu biết cách tận dụng tối đa băng ghi âm và băng ghi hình, phát huy hết những ưu thế của việc dạy và học thông qua các phương tiện điện tử, biết hướng dẫn đúng phương pháp thì vẫn có thể giúp trẻ đến với thế giới của một ngôn ngữ mới.
Cùng học là một hình thức quan trọng trong phương pháp này, mục đích là để kích thích tối đa niềm say mê học ngoại ngữ, huy động sự tích cực của trẻ nhỏ, từ đó từng bước hình thành cho trẻ thói quen tự học ngoại ngữ. Đây cũng là mấu chốt thành công của việc dạy trẻ học ngoại ngữ bằng phương pháp này.
Nên áp dụng những hình thức dạy và học như trên, ngay cả với những bậc phụ huynh, cô giáo mầm non hoàn toàn không biết ngoại ngữ, sau này lớn lên trẻ sẽ không còn phải suốt đời mang theo nỗi nuối tiếc không hiểu ngoại ngữ.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, việc dạy ngoại ngữ là vấn đề phải được bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Nếu để tuột mất cơ hội tốt nhất này thì việc học ngoại ngữ của trẻ sau này quả thật rất vất vả, mà cuối cùng cũng không thể đạt được kết quả như mong muốn. Không những bản thân tôi đã từng trải nghiệm mà tôi còn chứng kiến có rất nhiều, rất nhiều người cùng chung “nỗi đau” như tôi. Nhiều năm sống trong khu tập thể của trường đại học, mỗi sáng sớm tôi đều tận mắt thấy những em sinh viên khổ sở đọc bài. Các em đang đọc tài liệu già vậy? Là đọc ngoại ngữ. Dường như không có em nào đọc các loại sách khác. Và dù các em có vất vả khổ luyện như vậy, nhưng có mấy người trong số các em giỏi ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp đại học? Còn những người xuất sắc trong đó đã trở thành những nghiên cứu sinh hàng đầu thì sao? Môn học mà họ sợ nhất và học khổ sở nhất cũng chính là ngoại ngữ! Để học ngoại ngữ, họ đã phải gạt bỏ một lượng lớn những vấn đề cần nghiên cứu sang một bên.