Nhà giáo dục trẻ em nổi tiếng Montessori đã nói rằng: “Niềm vui của trẻ nằm ở chỗ hoàn thành những công việc vĩ đại đối với lứa tuổi của các em; các em có được sự thỏa mãn thực sự khi nỗ lực hết mình để thực hiện những công việc phải dùng tới tay chân và trí não; các em hạnh phúc khi dùng những phương pháp tốt nhất để tiến hàng những hoạt động có lợi cho cơ thể; sức mạnh thể chất và tinh thần của các em bắt nguồn từ việc luyện tập và những kinh nghiệm có được trong cuộc sống.
Nếu người lớn không mang lại cơ hội được lao động một cách nghiêm túc cho trẻ nhỏ mà chỉ chuẩn bị cho trẻ những thứ đồ chơi đắt tiền song không mang nhiều ý nghĩa giáo dục thì hậu quả của nó sẽ là, chẳng những không thể thu hút trẻ trong một thời gian dài mà ngược lại còn là căn nguyên làm tổn thương tâm lý của trẻ.
Trên thực tế, đồ chơi chỉ có thể đem đến một môi trường hoạt động không có nội dung. Chúng không thể khiến trẻ tập trung tinh thần bởi chúng không có bất kỳ một mục đích nào, chúng chỉ dẫn đắt trẻ nhỏ bước trên con đường của những cảm giác hư ảo sai lầm”. Vì thế, những trò chơi tách rời khỏi cuộc sống hiện thực là những trò chơi không đem lại lợi ích cho trẻ.
Ví dụ, khi hướng dẫn trẻ nhận biết màu sắc, dạy trẻ biết màu vàng và màu xanh phối hợp với nhau có thể tạo thành màu xanh lá cây, chúng ta cũng nên khuyến khích trẻ thử phối hợp màu đỏ với màu xanh da trời để xem sẽ tạo thành màu gì? Màu đỏ phối hợp với màu vàng sẽ tạo thành màu gì?
Hay như khi để trẻ quan sát đàn kiến chuyển nhà, hãy gợi ý để trẻ đưa ra các câu hỏi như: Vì sao khi đi kiến phải xếp thành hàng? Vì sao trong một đàn kiến lại có con đầu to, con đầu nhỏ? Liệu loài kiến có thể đánh nhau hay không? Làm thế nào để gây ra cuộc chiến giữa loài kiến? Rồi sau đó dạy trẻ dùng một con nhặng đã chết làm “mồi nhử” khiến lũ kiến trong đàn đánh lẫn nhau.