Các bậc cha mẹ không nên so sánh con mình với một đứa trẻ khác, đặc biệt là không được đem khuyết điểm của con mình ra so sánh với ưu điểm của con người khác. Con người rất phức tạp, không thế lấy một thước đo để đánh giá tốt xấu. Đứa trẻ nào cũng có ưu điểm và khiếm khuyết của mình, so sánh là một việc làm không khoa học, xếp thứ tự cao thấp cho trẻ cũng là một việc không nên làm, bởi sở trường và sở đoản của chúng còn chưa được định hình, huống hồ mỗi người đều có những điểm mạnh, điểm yếu của riêng mình!
Với trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ chỉ nên khen ngợi những tiến bộ của chúng, khuyên nhủ chúng sửa chữa khuyết điểm, thường xuyên nói với trẻ những câu như: “Nếu con làm như thế này thì sẽ tốt hơn nhiều đấy!”, “Con nhất định làm được mà!”. Đây mới là những “ám thị” tích cực thực sự. Đối với những khuyết điểm của trẻ, vừa phải yêu cầu nghiêm khắc vừa phải khoan dung và sẵn sàng tha thứ, đặc biệt là có niềm tin và sự kiên trì nhẫn nại. Không được nói dù chỉ nửa câu khiến trẻ nản lòng.
Có những lúc cần phải tán dương trẻ từ “một mặt phiến diện” nào đó, thể hiện cho trẻ thấy “tình yêu giáo dục” của mình, ví dụ như khi khách đến chơi, nhắc tới trẻ, người bố có thể nói khe khẽ: “Anh bạn nhỏ này của nhà chúng tôi quả không tầm thường đâu nhé, gần đây còn biết làm việc giúp bà nội, tự chơi một mình, nhận biết mặt chữ rất nhanh, hơn nữa còn rất linh hoạt, sau này chắc sẽ rạng danh đây…” Hãy cố ý để đứa trẻ đang mải chơi nghe thấy cả câu hoặc một nửa câu nói ấy, khi đó trẻ cảm thấy vui vẻ và hứng khởi như được tiếp thêm hi vọng và động lực.
Có những lúc, các bậc cha mẹ cần “biến giả thành thật” để tăng cường những nhân tố tích cực và khắc phục nhân tố tiêu cực trong tâm lý của trẻ. Chẳng hạn như một người mẹ tới trường mẫu giáo đón con. Cô giáo cho biết, hôm nay các em phải tiêm phòng. Cả lớp có 8 bạn không hề khóc, còn chủ động đưa tay ra cho cô y tá tiêm. Con của mình cũng chỉ khóc đôi chút, sau khi được cô giáo động viên đã nín khóc ngay. Buổi tối, khi trẻ bắt đầu đi ngủ, người mẹ cố ý nói với chồng mình: “Anh biết không, hôm nay, các cháu ở trường mẫu giáo phải tiêm phòng đấy! Cô giáo có nói với em, các cháu đều rất dũng cảm, rất nhiều bạn không khóc tẹo nào, còn dũng cảm giơ tay ra cho cô y tá tiêm nữa! Tiểu Minh nhà chúng ta cũng dũng cảm không kém, còn được cô giáo khen nữa nhé!” Nghe xong, người chồng nói: “Tiểu Minh thật giống một nam tử hán!” Một vài câu nói tưởng chừng như tùy tiện trong lúc chuyện phiếm ấy chắc chắn sẽ khiến trẻ cố gắng trở thành một “nam nhi đại trượng phu” thật sự, các bạn có tin hay không? Đây chính là nghê thuật “biến giả thành thật”.