Mẹ Tiểu Kiệt rất hay tự sáng tác truyện để kích thích tính hiểu thắng và niềm đam mê học tập của Tiểu Kiệt. Ví dụ, mẹ cháu kể: Một hôm, Tiểu Kiệt, Đỗ Quyên, Tê Tinh, Triệu Kiên (tên các bạn của Tiểu Kiệt) cùng nhau đến công viên chơi, khi đến cổng công viên, có soát vé nói: “Các cháu thi xem ai thông minh nhất nhé! Giải được câu đố của cô, cô sẽ mời bạn đó vào công viên chơi trước”. Nghe vậy, Tiểu Kiệt vui sướng reo lên: “Mẹ ơi, con giải được”. Nhân cơ hội đó, mẹ cháu đưa ra một câu hỏi về văn học hoặc toán học để cháu làm, cháu nhanh chóng đưa ra đáp án và câu chuyện cứ tiếp tục như thế…
Từ nhỏ Tiểu Kiệt đã không bao giờ làm nũng, bố mẹ tuy gần gũi và khoan dung với con nhưng cũng rất nghiêm khắc. Khi cháu được hơn một tuổi, chỉ những lúc cháu có biểu hiện tốt, học tập xuất sắc, bố mẹ mới ôm cháu vào lòng để tuyên dương cháu. Sau một thời gian, trí tuệ và năng lực của Tiểu Kiệt được tăng lên, cháu thích tìm tòi, suy nghĩ nhiều điều.
Ai bảo học tập là cứng nhắc, là chuyện đau khổ? Trên thế giới không có gì hạnh phúc hơn khi được suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo. Trẻ nhỏ cũng có cảm nhận ấy. Nếu như phương pháp giáo dục ngay từ sớm giúp trẻ phát triển trí tuệ và năng lực, cộng với việc cải tiến phương pháp giáo dục cho học sinh tiểu học và trung học, cuộc đời con người nhiều khả năng sẽ có được niềm vui trong học tập và sáng tạo.
Năm cháu ba tuổi rưỡi, sau khi xem một bài trong cuốn Ngữ văn tập 3 dành cho học sinh tiểu học, cháu nói: “Mẹ ơi, mẹ cho con mượn giấy và bút, con muốn viết thư” và cháu đã viết một bức thư thật ngộ nghĩnh đáng yêu:
“Ông Da Vinci yêu quý! Hơn 400 năm trước, ông học tiểu học ở trường Branch, cô giáo luôn bắt ông vẽ trứng gà. Ông vẽ có giống không ạ? Bài 14 trong cuốn ngữ văn tập 3 nói là ông vẽ cái gì cũng giống, vậy thì ông hãy vẽ cho cháu xem một con gấu chó nhé, nhớ là vẽ trên một bức tranh ông nhé! Chúc ông vui vẻ. cháu Tuấn Kiệt, ngày mùng 10 tháng Ba.”