Nguyên tắc bắt đầu sớm
Nên để trẻ sơ sinh sớm tận mắt nhìn thấy chữ, cùng lúc với việc trẻ nhận biết mọi người, nhận biết sự vật, nghe lời nói, nghe nhạc. Cụ thể với trẻ trước sáu tháng tuổi, khi bế trẻ “quan sát thế giới” đã có thể cho trẻ nhìn thấy chữ, xem người lớn đọc chữ, đọc sách. Khi trẻ biết tự ngồi chơi, thì cho trẻ chơi các hình chữ, xem sách… Như thế sẽ hình thành “sự nhạy cảm học chữ đọc sách” cho trẻ, trẻ sẽ đặc biệt chú ý đến chữ viết. Sau này trong cuộc sống trẻ sẽ chú ý xem chữ và thích học chữ.
Những trẻ có “sự nhạy cảm học chữ” lại được khích lệ sẽ thích học chữ giống như thích xem những sự vật mới, thậm chí yêu sách hơn cả đồ chơi và kẹo. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu chúng cũng sẽ chủ động hỏi chữ, đọc chữ.
Nguyên tắc cuộc sống
Trước một tuổi rưỡi trẻ chỉ nhớ chữ một cách máy móc mà hoàn toàn không hiểu ý nghĩa biểu đạt của chữ (hình thành một chút ấn tượng). Sau này, trẻ học chữ phải gắn liền với hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, theo cách:
Để trẻ nhận biết những từ thực (chủ yếu là danh từ, động từ, tính từ) liên quan đến những sự vật quen thuộc mà trẻ được tiếp xúc thường xuyên trong cuộc sống, những hư từ nên dạy trẻ khi trẻ đã đọc được câu.
Trong cuộc sống khi trẻ chú ý tới sự vật nào thì nên nắm lấy cơ hội dạy trẻ đọc những chữ có liên quan tới sự vật đó. Ví dụ, khi nhìn thấy mưa, thì dạy trẻ “trời mưa”. Khi dạy trẻ học không thể dùng giáo trình xa rời thực tế cuộc sống, mà phải giống như khi học nói trong cuộc sống, học theo tình huống cuộc sống.
Nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu”
Cuộc sống là một “chảo nhuộm” lớn, rất dễ để lại dấu ấn cho trẻ. Cuộc sống có ngôn ngữ thì học nói; có đồ vật thì học nhận biết sự vật; có quan hệ giữa người với người thì tìm hiểu quan hệ giữa người với người; có hành vi của con người thì hình thành nên các kiểu thói quen hành vi. Môi trường sống cũng nên có chữ viết, bài hát thiếu nhi, thành ngữ, câu đối, những gương hiếu học, để trẻ có được ảnh hưởng, từng bước liên tục xem chữ, đọc từ, đọc câu. Như thế tự nhiên trẻ sẽ biết chữ biết đọc. Giống như việc đứa trẻ bình thường học nói, đến khi hai, ba tuổi là đã có thể nói được.
Nguyên tắc thói quen
Trẻ học bất cứ cái gì cũng đều phải hình thành thói quen tốt mới có hiệu quả. Có thể nói giáo dục chính là việc hình thành thói quen tốt. Học chữ học đọc cũng cần phải có thói quen tốt, như kiên trì cố định, tập trung chú ý (tránh bị quấy rầy), nghiêm túc. Ngược lại, nếu trẻ hiếu động, bộp chộp không yên, cười đùa gây rối, ném chữ, viết sách lung tung, không kiên trì, không quy củ thì việc học chữ không thể thành công được. Chúng tôi nhấn mạnh hoạt động học tập của trẻ phải có tính sinh động thú vị, nhưng đồng thời phải tiến hành nghiêm túc.
Nguyên tắc tiến bộ
Học chữ qua trò chơi không thể cùng phát triển khả năng phát âm, nhận dạng nét chữ, hiểu nghĩa của chữ, viết chữ. Trong quá trình học chữ, ấn tượng của trẻ từ mơ hồ đến rõ ràng, cuối cùng là biết phân tích kết cấu của chữ; sau ba, bốn tuổi học chữ, trẻ cảm nhận được từ “âm, hình liên quan đến nhau” đến lĩnh hội nghĩa của chữ; từ “ghi nhớ vị trí” đến “ghi nhớ bằng cách thay đổi vị trí chữ”, vẫn nhận biết được chữ mặc dù có thay đổi vị trí của chữ. Quá trình trên mới là hiện tượng bình thường. Cho nên dạy chữ học chữ quan trọng là ở chỗ liên tục thay đổi phương thức, đạt đến mục đích học chữ theo kiểu tiến dần. Phải nhớ rằng, nhận thức của con người không phải một lần là hoàn thành, trẻ nhận biết sự vật (bao gồm cả chữ viết) cũng vậy.
Nguyên tắc vui vẻ
Thực hiện nguyên tắc dạy trong cuộc sống, học trong trò chơi; dạy có dụng ý, học một cách vô thức; vừa học vừa chơi; không định ra chỉ tiêu, không đuổi theo tiến độ, hãy vui vẻ, hoạt bát, đặt hứng thú lên hàng đầu. Mỗi lần dạy cố gắng hoàn thành trong vòng vài giây đến vài phút, phải kết thúc trước khi trẻ giảm hứng thú. Như vậy mới giữ được hứng thú học của trẻ lâu dài và làm cho trẻ chủ động yêu cầu người lớn dạy chữ, chứ không phải là người lớn bắt ép chúng học. Ông bà, cha mẹ nên thường xuyên đọc chữ, đọc sách trước mặt trẻ, đặt câu hỏi cho nhau, biểu dương khích lệ, dùng tinh thần vui vẻ tác động đến trẻ.
Nguyên tắc khích lệ
Trẻ học chữ phải được khích lệ biểu dương, bất kể hứng thú, tốc độ, số lượng học chữ như thế nào, người lớn đều phải khen ngợi trẻ một cách nghiêm túc. Khi trẻ không chăm chỉ cũng có thể tỏ ý không vui một cách đúng mực, nhưng không được lấy số lượng chữ để làm tiêu chuẩn đánh giá giỏi kém, không nên so sánh trẻ với những trẻ khác, hãy luôn khích lệ động viên trẻ. Tâm trạng vui vẻ, sự tích cực vươn lên của trẻ khi học chữ quan trọng hơn rất nhiều việc trẻ học được bao nhiêu chữ. Nên để trẻ vui chơi học tập nghiêm túc trong môi trường có cười có nói, có bàn bạc, có động có tĩnh, có hỏi có trả lời. Bản thân việc bồi dưỡng hứng thú và lòng ham học hỏi đó là mục đích giảng dạy quan trọng nhất. Người dạy trẻ không được nóng vội, áp đặt trẻ học tập, “quá nóng vội sẽ hỏng việc”. Đó là “khuôn vàng thước ngọc” trong giáo dục trẻ.
Nguyên tắc tổng thể
Nguyên tắc này được xác định dựa vào đặc điểm nhận thức “mô hình” và ghi nhớ ấn tượng, nhận thức sự vật từ tổng quan đến cụ thể. Trẻ học bằng cách tiếp thu mơ hồ tổng thể sự vật, sau mới đi dần vào phân tích và lý giải. Trẻ nhận thức sự vật sẽ hình thành ấn tượng hình vẽ, ấn tượng ngôn ngữ, ấn tượng âm nhạc, ấn tượng hành vi… và đương nhiên trẻ cũng sẽ tiếp thu ấn tượng chữ viết, ấn tượng chữ viết cũng là một loại ấn tượng hình vẽ. Bởi vậy, khi học chữ nên nhận biết tổng thể của chữ trước nét nhiều hay ít, kết cấu phức tạp hay đơn giản… khi đọc sách nên đọc thuộc cả câu, cả đoạn trước, đến khi thuộc làu mới học nhận biết chữ mới, ôn tập chữ đã học. Như vậy mới phù hợp với nguyên tắc tổng thể, trẻ sau ba tuổi còn có thể đọc sách trước, sau đó mới nhận biết chữ.
Nguyên tắc quan sát lời nói kết hợp tư duy
Nên thường xuyên nói chuyện với trẻ từ khi trẻ còn nhỏ, hướng dẫn trẻ quan sát, nêu câu hỏi, thường xuyên kể chuyện cho trẻ nghe, hát bài hát thiếu nhi hay đọc thơ. Khi được gợi mở quan sát và tư duy trẻ sẽ có khả năng lý giải tốt, lòng ham học hỏi càng mạnh mẽ. Trẻ sẽ càng thích đọc chữ, đọc truyện, đọc bài hát, đọc những bài viết thường thức (như Mười vạn lý do tại sao), để có thể dần dần bước vào đọc chữ.
Nguyên tắc học chữ trong khi đọc
Đối với trẻ một, hai tuổi, đầu tiên, nên hướng dẫn trẻ nhận biết chữ đơn, từ đơn, sau đó dạy trẻ đọc chữ không tách rời từ (từ có nhiều chữ), từ không tách rời câu, câu không tách rời đoạn văn, học chữ trong khi đọc. Chúng ta nên bắt đầu bằng việc sử dụng nhiều câu ngắn, bài hát thiếu nhi, ngôn ngữ có vần điệu và dạy trẻ đọc nhiều, đọc thuộc, học chữ trong khi đọc, sau đó phân tích chữ và viết.
Khi dạy trẻ học chữ học đọc qua trò chơi một cách tự nhiên, chúng ta có thể sáng tạo phương pháp tùy theo từng hoàn cảnh, nhưng không được rời xa những nguyên tắc trên, có như thế mới không đi ngược lại đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Thiên tài chỉ có thể được thiên tài đánh thức.
Lessing
Một người cha hơn cả trăm người thầy.
Herbert