Hình thành sự nhạy cảm
Thời gian đầu đời, trẻ tiếp xúc với sự vật nào sớm nhất, nhiều nhất, thường xuyến nhất, vui vẻ nhất, thì trẻ sẽ thích thú, nhạy cảm, mong muốn được tiếp xúc nhất, nảy sinh tình cảm mãnh liệt nhất. Thông thường trẻ hình thành “sự nhạy cảm về mẹ”, “sự nhạy cảm ngôn ngữ”, “sự nhạy cảm về đồ ngọt”, “nhạy cảm về nhận biết sự vật”.
Tại sao đứa trẻ nào cũng đều thích mẹ? Chưa hẳn đã do quan hệ huyết thống. Mà hoàn toàn do mẹ là đối tượng trẻ tiếp xúc sớm nhất, nhiều nhất, thường xuyên nhất và mang lại cảm giác vui vẻ nhất, cho nên trẻ không thể rời xa mẹ. Nếu sau khi sinh con, vì một nguyên nhân đặc biệt nào đó, người mẹ rời xa đứa trẻ, thì đứa trẻ sẽ không yêu quý mẹ đẻ nữa, nó sẽ hình thành “sự nhạy cảm về vú nuôi”. Một thời gian sau gặp lại mẹ đẻ, trẻ sẽ coi mẹ như người xa lạ. Nếu đứa trẻ được bầy sói nuôi dưỡng, nó sẽ yêu quý sói mẹ như mẹ đẻ của mình. Ở Trung Quốc, người ta phát hiện ra đứa trẻ lớn lên trong chuồng lợn. Khi tiến hành giáo dục lại, nếu không để ý, nó sẽ lại trốn vào một cái chuồng lợn gần đó và ôm lấy lợn mẹ.
Trẻ không hề thấy chán khi nghe người khác nói liên tục với tình cảm thân thiết. Hai tuổi, trẻ có thể nói một mình liên tục, đó là vì sau khi sinh ra trẻ đã quen với những lời nói âu yếm và hình thành “sự nhạy cảm về ngôn ngữ”. Đứa trẻ nào cũng đều thích ăn kẹo, bởi vì cái mà trẻ ăn đầu tiên là dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Trẻ thích xem đồ vật, xem tranh, bởi vì mở mắt ra chúng đã nhìn thấy thế giới nhiều màu sắc. Nhiều trẻ sống ở thành phố rất thích xem các loại xe cộ đi trên đường phố và hình thành “sự nhạy cảm về ô tô”.
Tương tự, trẻ cũng rất dễ hình thành “sự nhạy cảm về ngoại ngữ”, “sự nhạy cảm về âm nhạc”, “sự nhạy cảm về hội họa”, “sự nhạy cảm về con số”, “sự nhạy cảm về học chữ”, “sự nhạy cảm về sách vở”, xu hướng nhạy cảm đủ để tạo nên một “thần đồng”, cho đến tận khi phát triển thành thiếu niên phi phàm, thanh niên tài năng. Mozart, Weter và cả lịch sử “thần đồng” đã chứng minh điều đó.
Ghi nhớ ấn tượng
Chỉ cần tiếp xúc nhiều lần với sự vật, trẻ đã có được trí nhớ ấn tượng tốt đáng kinh ngạc. Ghi nhớ ấn tượng chính là ghi nhớ sự vật mà không cần phân tích, không cần hiểu. Hình ảnh, âm thanh, hành vi, thói quen đều có thể dễ dàng đi vào đầu óc trẻ, giống như máy quay phim và máy ghi âm, ghi vào trong đầu trẻ hình ảnh và âm thanh. Đó là hành vi bản năng làm quen với môi trường, thích nghi với môi trường trong những năm đầu đời.
Chỉ một lần tiếp xúc không thể có được ghi nhớ ấn tượng, mà thường phải qua vài lần vài chục lần vài trăm lần, thậm chí hàng nghìn hàng vạn lần tiếp xúc. Một khi các nơron thần kinh có sự thay đổi hữu cơ, thì ghi nhớ này sẽ để lại dấu ấn sâu đậm, ổn định trong suốt cuộc đời. Trẻ nhận biết mọi người, ghi nhớ sự vật, nói chuyện, hình thành thói quen… có hoạt động nào phải thông qua lý giải và phân tích đâu? Nếu nói đó là “ghi nhớ cứng nhắc”, vậy thì, “ghi nhớ cứng nhắc” là quá trình tất yếu trong sự phát triển tâm lý của trẻ. Học chữ học đọc cũng có thể dựa vào chức năng tâm lý đặc thù này, không cần thiết phải hiểu và phân tích trước rồi mới ghi nhớ. Tất nhiên chúng ta không phản đối việc tạo điều kiện để trẻ dần dần hiểu được.