Nhận thức về hoàn cảnh, mô phỏng và sự khám phá của trẻ

Lĩnh hội trong hoàn cảnh

Trẻ từng bước lý giải về sự vật không dựa vào việc giải thích bằng ngôn ngữ, ngược lại giải thích bằng ngôn ngữ còn làm cho trẻ mơ hồ thêm. Xin hãy cứ yên tâm, trẻ có trình độ lĩnh hội vô cùng xuất sắc, môi trường sống là thầy giáo tốt nhất của trẻ.

Khi trẻ mới nhận biết về mẹ, liệu có ai đó giới thiệu với trẻ rằng: “Mẹ là người sinh thành và nuôi dưỡng cháu, cũng là vợ của bố cháu”? Nếu vậy, trẻ không những không hiểu được mẹ là ai, mà ngay cả nam, nữ, già, trẻ, cao, thấp, béo, gầy, thậm chí có phải là người hay không trẻ cũng hoàn toàn không biết. Nhưng khi cảm nhận của trẻ về cuộc sống ngày càng phong phú, sự lĩnh hội hoàn cảnh sẽ giúp trẻ hiểu về mẹ. Thực ra, trẻ nhận biết sự vật, nắm bắt ngôn ngữ, hiểu chữ viết đều chủ yếu dựa vào lĩnh hội hoàn cảnh. Có người cho rằng nên đưa củ cải, bắp cải vào trong giờ học để giải thích thì trẻ mới hiểu được thế nào là củ cải, bắp cải. Nếu khả năng của trẻ kém như vậy, thì trẻ làm sao có khả năng lĩnh hội được những hiện tượng ngôn ngữ phức tạp đây? Mọi người đã đánh giá quá thấp khả năng lĩnh hội của trẻ.

Mô phỏng vô thức

Tất cả các hoạt động nói, hát, vẽ và mọi hoạt động khác của trẻ đều hoàn toàn dựa vào mô phỏng mà có, đó là sự mô phỏng vô thức.

Sau khi chào đời được vài tháng, trẻ đã có những biểu hiện mô phỏng đầu tiên. Nếu nhìn trẻ, bạn cười, trẻ cũng mỉm cười, bạn chớp mắt, trẻ cũng chớp mắt theo, bạn thè lưỡi ra, trẻ cũng làm theo. Hiện tượng “cộng hưởng động tác” này chính là sự mô phỏng đầu tiên. Từ đó, trẻ mô phỏng chúng ta phát âm, nhả chữ, nói, làm động tác, tất cả sự phát triển ngôn ngữ, thói quen hành vi của trẻ đều do mô phỏng mà có. Đương nhiên xem chữ, phát âm, đọc sách, viết sách cũng nên để trẻ mô phỏng.

Khám phá không chọn lọc

Sự phát triển của vỏ não và phát triển tâm lý của trẻ không chỉ dựa vào dinh dưỡng vật chất, mà còn phải dựa vào dinh dưỡng tinh thần – kích thích thông tin. Các cơ phát triển khi chúng ta vận động, não phát triển trong khi chúng ta tư duy, đó là sự thật đã được giới sinh lý học giải phẫu chứng thực. Não trẻ tìm kiếm kích thích một cách bản năng, ngay ngày đầu sinh ra trẻ đã “đi cùng với cảm nhận”, tìm kiếm nguồn ánh sáng và nguồn âm thanh; tiếp đó trẻ thích giao lưu, thích được nói chuyện, đó đều là biểu hiện của việc tìm kiếm kích thích.

Đồng thời, trẻ là vị khách lạ của thế giới, sau khi trẻ được đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng sẽ chú ý đến tất cả các sự vật xung quanh một cách vô thức. Người lớn chỉ vào đâu, trẻ sẽ nhìn đến đó (tuy thời gian chú ý rất ngắn), dắt trẻ về hướng nào, trẻ sẽ đi về hướng đó. Như vậy, trẻ có thể tiếp xúc với sự vật xung quanh lặp đi lặp lại, cho đến khi trẻ quen với môi trường. Nếu trong môi trường sống có chữ viết, thì trẻ xem một chữ cũng hứng thú như khi ngắm một con tem; xem một chữ Phúc treo trên tường cảm giác cũng giống như khi thưởng thức một bức tranh đẹp. Tất cả đều lạ lẫm, mới mẻ, trẻ thích xem chứ không có sự phân biệt yêu và ghét.

Chức năng nhận thức đặc biệt kể trên ở trẻ là sự thể hiện của tiềm năng trí tuệ ẩn chứa trong não trẻ sau hàng triệu năm tiến hóa, di truyền của con người. Đừng cho rằng khi trẻ mở to đôi mắt long lanh nhìn xung quanh, tay khua khoắng không theo quy tắc nào, cầm cái này chạm vào cái kia, bò chỗ nọ đến chỗ kia đều là những hành động không suy nghĩ và không có ý nghĩa gì. Ngược lại, trẻ dựa vào chức năng trước khi có ý thức để tạo nên con người đích thực có ý thức. Khi chưa đầy hai tuổi, trẻ đã có thể đi, nói chuyện, làm việc, vĩnh viễn thoát ra khỏi trình độ tâm lý động vật. Trẻ dựa hoàn toàn vào chức năng phi ngôn ngữ để có được ngôn ngữ; dựa vào chức năng vô thức để có được ý thức, khi lớn hơn sẽ quá độ lên giai đoạn có ý thức. Chúng ta không nên coi nhẹ những chức năng đó, mà nên tận dụng nó, như vậy mới có thể bồi dưỡng được mầm non nhân tài có tố chất cao.

“Dựa vào sức gió bay lên trời xanh”. Giáo dục sớm phải đi sâu vào thế giới nhận thức của trẻ, dựa vào sự nhận thức đặc thù của trẻ để đưa chúng bay lên.

Con người vẫn rất lạ lẫm với những nghiên cứu về bản thân, về chức năng của đại não… làm thế nào để bồi dưỡng con người?

Phương Nghị

Đừng xem thường trẻ em, tôi cho rằng khả năng có thể đạt được trong việc phát triển trí lực con người cao hơn nhiều những gì mà chúng ta đã đạt được.

Dư Quang Viễn

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!