Đa số các khuyết tật thị giác là do khuyết điểm của chính con mắt chứ không phải là hậu quả của bệnh tật hay chấn thương. Khuyết tật thị giác ngày càng phổ biến ở trẻ nhỏ. Cần làm gì khi bé có khuyết tật thị giác?
Đa số các khuyết tật thị giác là do khuyết điểm của chính con mắt chứ không phải là hậu quả của bệnh tật hay chấn thương. Các em bé hiếm khi sinh ra mù hoàn toàn. Các kỳ khám thường lệ trong các nam trước tuổi đi học sẽ phát hiện những khuyết tật có thể dẫn tới những vấn đề về thị giác sau này.
Nguyên nhân của nhiều khuyết tật là do ánh sáng vào trong con ngươi không hội tụ lên võng mạc một cách thích nghi. Nếu con ngươi dài quá từ đằng trước ra đằng sau, hình ảnh của những vật ở xa sẽ hội tụ ở phía trước võng mạc và trông sẽ có vẻ nhòe, những đồ vật ở gần sẽ được trông thấy rõ. Người ta gọi như vậy là cận thị. Nếu con ngươi quá ngắn từ đằng trước ra đằng sau, hình ảnh của cả những đồ vật ở gần và ở xa đều hội tụ vào ở phía sau võng mạc. Mọi hình ảnh đều sẽ nhòe nhưng những đồ vật ở gần sẽ nhòe hơn cả. Người ta gọi như vậy là viễn thị. Chứng cận thị thường phát sinh ra vào cuối thời thơ ấu, có khuynh hướng di truyền và một đứa trẻ có cha hay mẹ bị cận thị phải được khám đều đặn. Tật viễn thị thường xuất hiện từ lúc sinh ra, và có thể khiến cho mắt bị mỏi khi bé cố gắng tập trung vào những đồ vật ở gần nó. Người ta có thể chỉnh lại dễ dàng cả hai tật cận thị và viễn thị.
Tật mù màu sắc là một chứng bệnh thông thường khác, đặc biệt là ở con trai, và chứng này cũng mang tính di truyền. Hiếm có tật mù màu sắc thực sự khi trông mọi sự vật đều thấy cùng một màu xám. Tật mù màu sắc, là tình trạng không có khả năng phân biệt các màu sắc đỏ và xanh. Không có phép trị liệu nào cho chứng bệnh này tuy nó cũng không gây trở ngại nào lớn cho cuộc sống hàng ngày.
Tật mắt lác (lé) là một vấn đề khác về thị giác. Nếu em bé của bạn còn dưới ba tháng tuổi và một hay cả hai mắt có vẻ hơi ngó lệch đi thì không cần phải lo lắng. Tuy nhiên nếu chứng lé mắt kéo dài, bạn phải đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ.
Mắt trẻ có vấn đề có nghiêm trọng không?
Các vấn đề về thị giác có thể nghiêm trọng nếu để nguyên không chữa trị. Mắt đòi hỏi được tập luyện và kích thích thường xuyên để giữ gìn cho lành mạnh, và một con mắt không dùng tới, như xảy ra trong chứng lác mắt, sẽ hư đi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu chữa trị sớm, phần nhiều là với kính thuốc, đôi khi bằng phẫu thuật, sẽ chữa được chứng lác mắt.
Việc gì phải làm trước tiên khi mắt trẻ có vấn đề?
- Dù là em bé của bạn sẽ trải qua những trắc nghiệm định kỳ về thị giác, chính bản thân bạn cũng có thể kiểm tra thị giác của bé khi bé được khoảng ba tháng tuổi. Bạn hãy đong đưa một đồ vật quen thuộc cách mặt bé khoảng 20 cm và di chuyển nó từ từ sang một bên. Mắt em bé phải theo dõi được đồ vật.
- Bạn hãy cảm giác xem có bất cứ biến chuyển nào trên dáng vẻ đôi mắt con bạn, như sự phát sinh ra lác mắt, khi cả hai con mắt không cùng theo dõi được một đồ vật.
- Hãy đáp ứng với những dấu hiệu bé không trông thấy rõ nếu, ví dụ nó cứ luôn luôn va phải bàn ghế hoặc không có khả năng theo quỹ đạo một trái banh người ta ném cho nó.
- Hãy cho bé qua một thử nghiệm đo thị giác nữa nếu bé không hợp tác với bác sĩ trong đợt kiểm tra định kỳ thường xuyên. Nhiều khi một đứa trẻ không qua được thử nghiệm sẽ khỏa lấp nhược điểm khả năng của nó bằng hành vi xử sự xấu.
Có cần đi khám bác sĩ không khi mắt trẻ có vấn đề?
Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nghi ngờ thị giác bé có khuyết tật nào hoặc để ý thấy có bất cứ biến dạng nào trong dáng vẻ đôi mắt, nếu bé kêu đau mắt và dịu mắt nhiều không có lý do rõ ràng hoặc nếu thành tích trong lớp của bé kém vì thị giác của bé làm ảnh hưởng tới.
Bác sĩ có thể làm gì khi mắt trẻ có vấn đề?
Bác sĩ sẽ kiểm tra bé về trình độ thị giác. Người ta sẽ bảo bé đọc những chữ cái trên một tấm bìa đặt cách xa 6 mét. Người ta sẽ thử nghiệm riêng từng bên mắt. Với một đứa trẻ dưới ba tuổi, người ta sẽ bảo nó so những con số hay những hình ảnh đặt trước mặt nó với cùng vật đó được bác sĩ giơ lên cao cho coi. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng tổng quát đôi mắt bé với một kính soi đáy mắt để xem có rối loạn nào trong mắt không. Nếu cần phải chữa trị, người ta sẽ giới thiệu tới một nhà chuyên môn về mắt kính hay một nhà phẫu thuật mắt. Trong đa số trường hợp người ta sẽ kê toa những mắt kính thích hợp và điều chỉnh cho vừa.
Giúp mắt trẻ có vấn đề bằng cách nào?
- Bạn hãy mua những mắt kính bằng nhựa – loại này đeo nhẹ hơn và không bể.
- Hãy giúp đỡ bé đương đầu với lời chọc ghẹo từ phía các bạn bằng cách nhấn mạnh cho nó thấy những lợi ích của khả năng trông rõ.
- Bạn hãy giữ sẵn một cặp mắt kính để thay vì trẻ con có khuynh hướng hay làm bể gọng kính.
- Hãy chỉ cách cho bé giữ mắt kính cho sạch sẽ, và khuyến khích bé lau chùi kính mỗi ngày.
- Hãy tỏ ra nghiêm khắc với con bạn, để chắc chắn là bé phải năng đeo kính theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là trong những tuần lễ đầu khi bé còn đang tập làm quen với mắt kính.
- Hãy gắn một dây chun phía sau gọng kính của con bạn, để kính đừng rớt trong khi chơi.
Xem thêm:
Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.