Những điều cần biết khi trẻ bị đau mình do tăng trưởng

trẻ bị đau mình do tăng trưởng

Đau mình do tăng trưởng là chứng đau thường gặp ở trẻ đang lớn. Mặc dù vậy, cha mẹ cần hiểu được và phân biệt giữa đau mình do tăng trưởng với đau xương khớp.

Đau mình do tăng trưởng là một cảm giác đau âm ỉ, mơ hồ ở chân tay; cơn đau này không kéo dài và và đứa trẻ thường quên khuấy đi. Những chứng đau có thể xảy tới khi bé đang trải qua một thời kỳ lớn mau, các cơ bắp và xương tăng trưởng theo nhịp hơi khác nhau, dẫn tới đau nhức nhất là vào buổi tối. Các chứng đau nhức này cũng có thể xảy tới sau khi hoạt động gắng sức. Điều quan trọng là phân biệt được chứng đau mình do tăng trưởng với chứng đau khớp. Đau mình do tăng trưởng được nhận thấy trong khoảng cách giữa các khớp. Đau khớp là chỉ đau ngay ở khớp xương. Ở trẻ em đau khớp có thể là một triệu chứng của bệnh thấp khớp cấp hay viêm khớp.

Triệu chứng có thể gặp khi trẻ bị đau mình do tăng trưởng

  • Đau nhức chân tay, nhiều nhất là ở chân.
  • Khó ngủ nếu đau nhiều.
  • Đau cơ bắp sau khi hoạt động gắng sức.

Trẻ bị đau mình do tăng trưởng có nghiêm trọng không?

Đau mình do tăng trưởng không nghiêm trọng, nhưng bất cứ chứng đau nào ở khớp xương cũng có thể nghiêm trọng, đặc biệt nếu đi kèm với một cơn sốt. Có thể đó là viêm khớp nhiễm trùng.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị đau mình do tăng trưởng?

  1. Kiểm tra xem khớp xương bé có bị sưng và cảm thấy đau bằng cách nắn vào đúng khớp và xung quanh khớp. Nếu không đau khớp và gần khớp, hãy kiểm tra các cơ bắp, cũng theo kiểu đó.
  2. Hãy xem bé có đi cà nhắc không.
  3. Hỏi xem bé bắt đầu đau từ lúc nào và đau bao lâu.

Có cần đi khám bác sỹ không khi trẻ bị đau mình do tăng trưởng?

Đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt nếu đau trên khớp xương và có sốt đi kèm hoặc nếu đã quá 24 tiếng.

Bác sỹ có thể làm gì khi trẻ bị đau mình do tăng trưởng?

Sau khi loại bỏ tất cả những nguyên nhân gây đau, bác sỹ sẽ trấn an hai mẹ con là không có việc gì đáng quan tâm cả.

Giúp bé bằng cách nào khi trẻ bị đau mình do tăng trưởng?

  • Hãy tỏ ra chú ý, đồng cảm chia sẻ nỗi đau – thế là đủ làm cho bé thư giãn rồi.
  • Ngâm nước ấm hay chườm túi nóng cho cháu; làm như vậy có thể làm dịu cơn đau nếu bé khó ngủ.
  • Nhẹ nhàng thoa nắn các cơ bắp đau nhức để làm thư giãn mọi căng thẳng.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!